Ngày 18-7, các báo mạng đồng loạt đưa tin xét xử phúc thẩm vụ thảm sát tại Bình Phước. Sau một ngày xét xử, cuối cùng, Vũ Văn Tiến vẫn bị tuyên y án tử hình bởi hành vi giúp sức tích cực cho Nguyễn Hải Dương ra tay sát hại 6 người trong một gia đình được tòa nhận định là đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi sai trái nào rồi cũng phải trả giá, tội ác nào rồi cũng bị trừng phạt. Đó là đạo trời và cũng đúng với luật pháp do con người đặt ra. Thế nhưng, đọc thông tin về bà Vũ Thị Thi (mẹ Vũ Văn Tiến) suốt 1 năm qua chạy đôn chạy đáo để có 10.000 chữ ký xin giảm án cho con, gom góp 20 triệu đồng đền bù cho gia đình nạn nhân mong bù đắp một phần mất mát cho họ và cũng để HĐXX xem xét cho Tiến… Đặc biệt, hình ảnh bà Thi cùng con gái quỳ lạy giữa sân tòa, trước di ảnh của nạn nhân và gia đình của họ, cầu xin sự tha thứ, tôi thật sự nhói lòng, ám ảnh.
Tiến và đồng phạm không chỉ gây tội ác với 6 mạng người mà còn để lại nỗi đớn đau tột cùng và chắc chắn là kéo dài nhiều năm tháng cho chính người thân của mình. Tôi không biết khi nhìn thấy hình ảnh mẹ giàn giụa nước mắt, quỳ mọp người xin tha thứ cho con, Tiến và đồng phạm suy nghĩ gì nhưng chắc là rất xót xa, ân hận.
Mẹ Vũ Văn Tiến mong muốn đổi mạng sống của mình cho con sau phiên tòa phúc thẩm (ảnh: Lê Phong)
Tôi đã từng chứng kiến hàng trăm hình ảnh đau khổ, tuyệt vọng của nhiều người mẹ như mẹ Tiến tại tòa án. Với bản năng của người mẹ, bất chấp lòng tự trọng bị xỉ vả, những cái nhìn soi mói, những lời trách cứ cay nghiệt, họ đã cố gắng làm mọi cách để cứu đứa con phạm trọng tội bị cả xã hội ghét bỏ, khinh bỉ, căm hận. Tôi cũng từng chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn, hối hận; ánh nhìn khắc khoải, nhớ thương; lời van xin tha thiết được có cơ hội làm lại cuộc đời của những kẻ phạm tội khi được “gặp” lại người thân tại phiên tòa... Thế nhưng, tất cả đã quá muộn màn.
Vấp ngã của người này là bài học cho nhiều người khác. Chỉ mong những ai trước khi có ý định phạm tội hay làm điều gì sai trái, hãy dành vài giây nghĩ đến giọt nước mắt của người thân; nỗi vất vả, tủi hổ và cả đớn đau mà họ phải chịu chỉ vì “trót” là cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái của tội phạm, để kịp dừng lại.
Bình luận (0)