Tôi từng đi làm bằng xe buýt số 10, từ trạm đón tại ngã tư Bình Thái (quận Thủ Đức, TP HCM) đến cơ quan gần ngã sáu Dân Chủ (quận 10), lưu thông theo lộ trình xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Đường 3 Tháng 2;, quãng đường khoảng 15 km phải mất hơn một giờ và lắm khi chờ xe buýt để đi đúng lộ trình cần đến mất thêm 30 phút, trong khi đi xe máy chỉ 40 phút. Chưa hết, xe buýt mỗi khi tấp vào trạm đón - trả khách rồi trở ra đều cắt ngang dòng xe máy, xung đột giao thông nên giảm tốc độ. Tài xế xe buýt buộc phải thắng gấp liên tục khiến hành khách nhào về trước, mệt mỏi vì bị sốc người và mất thăng bằng.
Một đồng nghiệp của tôi cũng đi làm bằng xe buýt, kết hợp với đi bộ. Đi bộ rèn luyện sức khỏe, có điều kiện quan sát cuộc sống xung quanh, không phải gửi xe nhưng như anh nói, lại lo rủi ro rình rập. Các phương tiện không biết nhường người đi bộ; vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng buộc phải đi bộ dưới lòng đường. Đây cũng là những lý do làm cho nhiều người mất dần thói quen đi bộ. Nếu không tạo thói quen đi bộ ngay từ bây giờ, không chỉ xe buýt, cả metro sau này cũng khó thu hút hành khách.
TP HCM dự kiến thí điểm làn dành riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Năm 2003, cơ quan chức năng từng thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó đã dừng lại. Khuyến khích vận động công chức đi xe buýt, phát động phong trào đi bộ, xử lý lấn chiếm vỉa hè trái phép cũng đều... nửa chừng.
Để giải quyết kẹt xe, thay thế xe máy, vai trò giao thông công cộng (GTCC) rất quan trọng, trong đó, xe buýt sẽ giữ vai trò chủ lực để kết nối giữa các tuyến metro sau này. Trong điều kiện đường phố đông đúc, mật độ giao thông căng thẳng, không dễ bố trí làn đường riêng và ưu tiên cho xe buýt. Nên chăng hãy chọn những tuyến đường hướng trục rộng, lượng hành khách lớn và tần suất hoạt động cao như xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt... Làn riêng dành cho xe buýt vẫn sử dụng cho các loại xe cứu hỏa, cứu thương, công an, quân đội, ngoại giao, cứu nạn hoặc làm nhiệm vụ khẩn cấp, kể cả xe tang và tùy điều kiện có thể cho phép xe khách có chở người từ 12 chỗ ngồi trở lên.
Những đường hẹp hơn đủ 4 làn xe dành làn ưu tiên cho xe buýt, phương tiện khác vẫn có thể lưu thông nhưng phải nhường đường mỗi khi có xe buýt, nhất là vào khung giờ cao điểm.
Ngoài ra, cương quyết khắc phục các tồn tại, cung cấp điều kiện tốt nhất cho người đi bộ. Mở thêm không gian đi bộ ở trung tâm TP, nơi dự kiến cấm xe máy để kết nối với hệ thống phương tiện công cộng một cách đồng bộ phục vụ giao thông và chỉnh trang đô thị. Xử phạt nghiêm các phương tiện vi phạm không nhường người đi bộ đúng luật, giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm vỉa hè trái phép.
Đừng chần chừ nữa, phải quyết tâm làm ngay bây giờ, nếu không sẽ chẳng tới đâu cả.
Bình luận (0)