Câu nói của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Thiếu giường bệnh thì hỏi… Nhà nước!” nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Thực tế ấy xuất phát từ sự quá tải của các bệnh viện (BV) tuyến trên do rất nhiều nguyên nhân: hệ thống y tế dự phòng yếu; BV tuyến cơ sở kém chất lượng; đầu tư cho BV tuyến Trung ương không xứng tầm…
Phương án giảm tải cho các BV tuyến Trung ương được ngành y tế tâm đắc nhất là đưa người bệnh trở lại tuyến cơ sở, qua nhiều năm cho thấy không khả thi. Nhiều bạn đọc phân tích rằng rất nhiều sự cố y khoa đã xảy ra bởi trình độ của bác sĩ yếu, y đức kém, trang thiết bị thiếu… của BV tuyến huyện, thậm chí là cả tuyến tỉnh. Biết là điều trị vượt tuyến sẽ rất khổ nhưng người dân không có cách lựa chọn nào khác, nếu không muốn mạo hiểm với tính mạng của mình.
Dù không muốn nhưng người bệnh vẫn phải chấp nhận chen chúc nhau
điều trị bệnh tại bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Ngọc Dung
Theo bạn đọc Trần Thanh Tâm, thực trạng ngành y tế tại các địa phương thể hiện rõ nếu đến các tuyến y tế cơ sở. Muốn biết bệnh nhân khổ như thế nào thì phải đến BV Ung Bướu (TPHCM), BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), BV Bạch Mai (Hà Nội)…
Chia sẻ nỗi khổ của dân vì các công trình thủy điện, bạn đọc Bùi Tuấn Chung dẫn chứng: “Để có 1 MW điện thì có khoảng 16 ha rừng bị mất. Đến nay, có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng. Mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 dự án thủy điện. Không những mất rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên…, thủy điện còn làm mất diện tích đất canh tác khá lớn gồm đất trồng lúa nước, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông… Mặt khác, thủy điện cũng ảnh hưởng đến hệ thống sông ngòi như làm thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy các lưu vực sông, mất nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất…
Các nhà khoa học ví von rằng dọc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đâu đâu cũng thấy những cái túi nước khổng lồ có thể “dội” xuống đầu hàng triệu người dân vào bất kỳ lúc nào, nhất là mùa mưa lũ. Trong đó, điển hình là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum và Đắk Nông có tổng cộng gần 150 dự án thủy điện đã, đang và sẽ triển khai rầm rộ nhưng công tác an sinh cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng vẫn không được quan tâm đúng mức. Hàng ngàn hộ dân vẫn đang nghèo đói tại các khu tái định cư của các dự án thủy điện.
Bạn đọc Hoàng Thế Tài bức xúc: “Nếu đến cơ sở, nếu lắng nghe các nhà khoa học, nếu hiểu được cuộc sống của người dân “hậu thủy điện” thì tôi tin chắc lãnh đạo các địa phương không bất chấp tất cả để làm thủy điện. Quyết tâm làm thủy điện tại nhiều địa phương đã đánh đổi quá nhiều quyền lợi của người dân”.
Bình luận (0)