Một nghiên cứu vừa công bố cho biết lần đầu tiên tìm thấy các hạt vi nhựa trong máu người. Điều này hé lộ khả năng vi nhựa cũng có thể sẽ còn thâm nhập vào các cơ quan nội tạng khác.
Theo Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa thải ra, trong đó có ít nhất 14 triệu tấn trôi ra đại dương và có thể bị các sinh vật biển ăn phải, trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người.
Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỉ túi ni-lông. Trung bình, mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi-ni lông mỗi tháng, hơn 80% số đố đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Nhựa và các sản phẩm từ nhựa đang khiến cuộc sống của chúng ta lệ thuộc một cách vô thức để rồi chính chúng ta và con cháu sống trên rác nhựa, ăn trong rác nhựa và ngụp lặn trong chính đống rác thải nhựa của mình.
Truyền thông liên tục cảnh báo về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Thế nhưng chúng ta vẫn khá bàng quan, vô tâm với việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần thải ra môi trường.
Thỉnh thoảng, mạng xã hội lại loan tin quán trà sữa này, quán cà phê kia "khai trừ" ống hút nhựa, thay thế bằng các loại ống hút thân thiện môi trường. Thỉnh thoảng, một số bạn trẻ gửi đi thông điệp về môi trường thông qua những bộ ảnh ám ảnh về rác thải cùng nỗ lực vun bồi trào lưu sống xanh và sạch… Tiếc thay, vẫn chỉ là số ít ỏi cá nhân sống đẹp giữa vô số hành động thiếu ý thức.
Thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần không khó, vấn đề là mỗi người phải tự thiết lập một ý thức sống xanh, bởi trước khi vì môi trường, hãy nghĩ đến sức khỏe của chính chúng ta và người thân.
Bình luận (0)