Trở lại hiện trường vụ tai nạn tàu lửa thảm khốc khiến 3 người chết tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế (chiều 20-2), chúng tôi ghi nhận vị trí đường ngang là tuyến đường dẫn vào khu dân cư và mỏ đá Khe Diều, được ngành đường sắt lót tấm đan bằng phẳng. Ở đây chỉ có hệ thống phòng vệ tàu hỏa bằng biển cảnh báo, không có gác chắn hoặc cảnh báo tự động. Theo UBND xã Lộc Thủy, địa phương đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng, ngành đường sắt tiến hành lắp đặt gác chắn hoặc hệ thống cảnh báo tự động nhưng vẫn chưa được tiến hành.
Ông Trần Kiêm Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, thừa nhận đây là đường ngang hợp pháp nhưng chỉ mới có hệ thống biển báo vì còn phụ phuộc vào nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước. Trong điều kiện nhân lực, kinh phí còn khó khăn, các địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành đường sắt triển khai các biện pháp an toàn, vận động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, phát quang rộng tầm nhìn...
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, tại Km 698+050 đường sắt Bắc - Nam qua tổ 5, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế), dù được đầu tư các trụ đèn tín hiệu cảnh báo tự động, đường ngang qua đường sắt được lót tấm đan bê tông khá rộng và hệ thống đường gom dài 500 m nhưng đến nay phải “trùm mền”. Để bảo đảm an toàn, ngành đường sắt đã cắm bảng cảnh báo ngay giữa đường, dùng đường ray tàu hỏa rào chắn hai bên, chỉ để lại một lối nhỏ cho xe máy, phương tiện thô sơ qua lại. Hai trụ đèn cảnh báo tàu nằm 2 bên đường được bọc bởi bao tải rách nát. “Con đường ngang này trước đây đã có nhưng khá nhỏ, ngành đường sắt đầu tư mở rộng, lắp hệ thống cảnh báo, chúng tôi rất vui mừng nhưng làm xong lại không đưa vào sử dụng, rất lãng phí” - một người dân địa phương phản ánh.
Về vấn đề này, ông Trần Kiêm Thuận cho biết đây là tuyến đường do Ban Quản lý Dự án đường sắt khu vực II làm chủ đầu tư, Công ty Tín hiệu đường sắt, Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên thi công, hoàn thành vào cuối năm 2015 với kinh phí hàng tỉ đồng. Do chưa được sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc đấu nối đường ngang vào đường Quốc lộ 1 nên chưa đưa vào sử dụng.
“Công ty đã nhiều lần làm việc với địa phương và ngành đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, chúng tôi chỉ biết kiến nghị thôi” - ông Thuận phân trần.
Sau vụ tai nạn tàu hỏa, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất ngành đường sắt lắp thêm hệ thống cảnh báo tự động ở những đường ngang hợp pháp, mở 4 đường ngang, nâng cấp thành đường có rào chắn, có người gác.
Bình luận (0)