Mới đây, ngày 8-12, một chiếc xe bồn vừa chạy khỏi dốc cầu Chánh Hưng (quận 8, TP HCM) hướng về cầu Nguyễn Tri Phương bất ngờ lao về bên trái cày nát hàng chục dải phân cách, đâm vào 3 xe máy đang chạy chiều ngược lại khiến 3 người bị thương.
Đèn đỏ nơi dốc cầu
Cầu Chánh Hưng bắc qua kênh Đôi (nối phường 4 và phường 9, quận 8) được xem là một điểm đen tai nạn giao thông. Nếu đi từ phường 4 qua phường 9, các phương tiện phải dừng chờ đèn đỏ ngay trên cầu vì dưới chân cầu, nơi giao cắt với đường Hưng Phú có chốt đèn tín hiệu giao thông. Cầu Chánh Hưng lại liền kề với cầu Nguyễn Tri Phương, được thiết kế có độ dốc khá lớn, cách nhau khoảng 200 m tạo thành địa hình dốc lòng chảo, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông mỗi khi đổ dốc cầu dù liên tục rà thắng để không bị tuột dốc lao về phía trước. Vào giờ cao điểm, hàng trăm xe máy, xe tải, xe buýt chờ đèn đỏ chen chúc trên dốc cầu Chánh Hưng. Tại khu vực đường Hưng Phú, cả ngàn phương tiện cũng liên tục qua lại, rẽ trái hỗn loạn.
Theo ghi nhận, khoảng 10 giờ sáng 13-12, dù không phải giờ cao điểm nhưng cầu Chánh Hưng kẹt cứng bởi các phương tiện giao thông chờ đèn đỏ ngay trên cầu. Trời mưa, chân cầu có độ dốc cao lại trơn trượt khiến một cô gái chạy xe tay ga không kịp thắng khi đèn đỏ, trôi qua giao lộ, “cắt đầu” nhiều xe máy và ô tô trên đường Hưng Phú. Trong 30 phút có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận khoảng 5 trường hợp xe máy va quệt, suýt ngã khi lỡ trớn đèn tín hiệu nơi dốc cầu rồi trôi qua giao lộ như thế.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (chạy xe ôm ở khu vực) cho biết đã có nhiều vụ xe tải mất thắng khi đổ dốc gây tai nạn nghiêm trọng. “Hầu như năm nào cũng có những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực này; còn những va chạm nho nhỏ, xe trước đâm đuôi xe sau thì hầu như ngày nào cũng có vài vụ. Cần phải khắc phục sớm tình trạng này nếu không xe lớn mất thắng lao thẳng qua đèn đỏ thì sẽ gây tai nạn nghiêm trọng” - anh Hiếu lo lắng.
Tương tự, cầu Phạm Văn Chí bắc ngang kênh Lò Gốm nối phường 7 và phường 10 (quận 6) từ lâu cũng trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Hai bên dốc cầu đều có 2 hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên người đi đường phải dừng đèn đỏ ngay trên cầu. Đặc biệt, tại đầu cầu Phạm Văn Chí bắc qua phường 10 (quận 6), đường Nguyễn Văn Luông cắt ngang đầu cầu thấp hơn mặt bằng cầu rất nhiều, tạo thành dốc ngắn thẳng đứng.
Một chủ tiệm ăn gần cầu Phạm Văn Chí cho biết trước đây cầu này nhỏ, bằng phẳng so với mặt đường. Sau khi được xây dựng lại thì có độ cao chênh lệch nhiều hơn với mặt đường, tạo độ dốc lớn. Gần đây, một chiếc ô tô bị mất lái trượt thẳng xuống đường trong thời gian đợi đèn đỏ. May mắn, lúc đó vắng người, các xe máy kịp tấp vào lề nên không gây thương vong.
“Chân cầu có độ dốc lớn trên quãng đường ngắn khiến không chỉ xe máy mà ô tô cũng dễ bị trượt bánh, gây tai nạn giao thông. Những hôm trời mưa, chuyện xe máy té nhào xuống mặt đường là bình thường” - chủ tiệm ăn kể.
Đường băng ngang đầu cầu
Cầu Nguyễn Tri Phương bắc qua kênh Tàu Hủ (nối quận 5 và quận 8) cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Đầu cầu phía quận 5 giao cắt với đường Trần Hưng Đạo, xe qua lại đông đúc. Đầu cầu phía quận 8 giao cắt với đường Hưng Phú, tiếp nối với cầu Chánh Hưng, cũng thường xuyên kẹt cứng. Để giảm tình trạng kẹt xe và hạn chế lượng xe băng ngang dưới chân cầu, lực lượng chức năng đã phân luồng khá đặc biệt nhưng tại khu vực này vẫn thường xuyên hỗn loạn, mất trật tự do nhiều người chạy không đúng phần đường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, TP HCM có nhiều ngã tư, đèn tín hiệu giao thông ngay chân cầu, dốc cầu tương tự cầu Nguyễn Tri Phương. Điển hình cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua kênh Tẻ và rạch Bến Nghé (nối quận 1, quận 8, quận 4); cầu Trần Khánh Dư bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nối quận 1 và quận Phú Nhuận), vào giờ cao điểm, hàng ngàn phương tiện qua đây trong khi 2 bên đầu cầu đều có ngã tư đèn tín hiệu giao thông. Hay 2 đầu cầu Tạ Quang Bửu (quận 8) cũng được cắt ngang bởi đường 1107 Tạ Quang Bửu và đường Bông Sao. Phía đầu cầu giao nhau với đường Bông Sao chưa có dải phân cách, xe băng từ các đường này cắt ngang ngay dốc cầu trong khi nhiều phương tiện đang đổ dốc.
“Ngày nào cũng xảy ra vài vụ va quệt giữa xe đổ dốc cầu và xe trong đường Bông Sao chạy ra. Nút giao thông này khá khuất, lại không có đèn giao thông, thiếu quan sát một chút là đâm vào nhau ngay” - một người dân địa phương cho biết.
Vi phạm luật giao thông
Theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng chỉ cách nhau khoảng 200 m nhưng thiếu sự kết nối khiến tình trạng giao thông qua khu vực không thông suốt, gây ùn ứ, hỗn loạn. Trước đó, kế hoạch khi xây dựng 2 cầu Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng là kết nối 2 cây cầu này. Do kinh phí đền bù giải tỏa đội lên quá cao nên không thể thực hiện xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương theo phương án mở rộng, kết nối với cầu Chánh Hưng.
Còn theo một chuyên gia giao thông tại TP HCM, việc xây cầu có đường băng ngang ở đầu cầu là không đúng với Luật Giao thông đường bộ vì luật cấm dừng, tụ tập trên mặt cầu.
Bình luận (0)