Chúng tôi về xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Hoàng, một người dân hào hứng: "Ông Hoàng hiến đất chứ gì. Nhà ông là quán cà phê nhỏ phía trước".
Gặp ông Hoàng, nghe chúng tôi hỏi chuyện hiến đất, ông cười: "Chuyện nhỏ mà. Tùy điều kiện để chung tay góp sức xây dựng quê hương thôi". Ông kể hồi đó nghe tin xã có kế hoạch xây dựng bãi rác tập trung nhưng quỹ đất không còn. Ông trăn trở và trao đổi với vợ ý định mua đất để hiến và được đồng tình. Thế rồi, vợ chồng ông nhiều ngày lên xe máy rong ruổi khắp vùng tìm xem có ai chuyển nhượng đất. Ông tính toán, làm bãi chứa rác thì phải gần trung tâm, đường đi thuận lợi nhưng không ảnh hưởng dân cư. Sau một thời gian tìm kiếm, ông chọn được khu đất gần 9.000 m2 với giá hơn 70 triệu đồng. Tìm đất để chuyển nhượng đã khó, khi làm thủ tục hiến đất còn khó hơn, do một số hộ dân sợ bãi rác ảnh hưởng nên không đồng thuận. Ông phải giải thích, động viên để người dân hiểu, rồi hoàn tất thủ tục hiến đất cho xã.
Sân bóng chuyền được vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng góp phần hỗ trợ địa phương xây dựng
Bà Phạm Thị Thường, vợ ông Hoàng, kể bà không bất ngờ vì hiểu tính cách phóng khoáng của chồng. Bên cạnh đó, thấy người dân trong xã khổ sở vì không có bãi rác, nên chồng đề xuất là bà đồng ý và cùng đi tìm đất. "Thời điểm đó, 70 triệu đồng với gia đình tôi lớn lắm. Giờ muốn có khu đất đó phải cần cỡ 500 triệu đồng. Nhưng tâm niệm của gia đình là làm việc có ích cho xã hội nên vợ chồng tôi không chút băn khoăn" - bà Thường nói.
Ông Hoàng từng bôn ba nhiều nơi trước khi về sống tại xã Ea Nam vào năm 1987. Vất vả nhiều năm trời mới vượt qua được những khó khăn ban đầu. Nay kinh tế gia đình tạm ổn do có thu nhập từ gần 2 ha rẫy và quán cà phê nhỏ. "Gia đình tôi chẳng giàu có gì. Tiền thì ai cũng cần nhưng biết bao nhiêu mới đủ. Mình ủng hộ địa phương làm bãi rác là phục vụ lợi ích cộng đồng, có mình trong đó" - ông Hoàng nói.
Từ tháng 4-2018, diện tích đất do gia đình ông Hoàng hiến đã được xã Ea Nam đưa vào làm bãi rác công cộng. Rác thải ở các buôn, thôn trên địa bàn được thu gom, vận chuyển về đây xử lý. Nhờ vậy, tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ở địa phương giảm hẳn.
Không chỉ tìm mua đất hiến làm bãi rác, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng còn luôn tích cực đi đầu trong phong trào thiện nguyện. Gia đình ông đã đóng góp vật liệu xây dựng sân hội trường thôn, cổng văn hóa, làm đường, xây dựng sân bóng chuyền của thôn. "Thấy xã có bãi đất trống, vợ chồng tôi hỗ trợ 15 triệu đồng làm sân bóng chuyền để dân trong thôn chơi, nâng cao sức khỏe, cũng là việc nhỏ thôi mà" - vợ ông cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, cán bộ địa chính xã Ea Nam, cho biết trong lúc xã không có quỹ đất để xây dựng bãi rác tập trung thì gia đình ông Hoàng đã hiến đất. Nếu không giải quyết được khâu này thì xã còn rất lâu mới về đích nông thôn mới. Hiện toàn xã cũng chỉ có một bãi rác này, mỗi ngày thu gom khoảng 4-5 xe rác thải trong khu dân cư và chợ về xử lý. Đến nay, bãi rác cũng chỉ mới sử dụng gần hết 1/2 diện tích.
"Việc sẵn sàng hiến đất đang trồng điều, cà phê mà không tính toán thiệt hơn của ông Hoàng là rất đáng quý" - bà Ngọc cảm kích.
Bình luận (0)