Diễn đàn "Hiệp sĩ": Cần hay không?" đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 15-5 đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc.
Bắt cướp là việc của lực lượng chuyên nghiệp
Nhiều ý kiến bày tỏ sự biết ơn đối với những "hiệp sĩ" đã không quản khó khăn, hiểm nguy, góp công sức giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân. Tuy nhiên, bạn đọc cũng cho rằng không nên cổ vũ mô hình "hiệp sĩ" vì ngoài tinh thần trượng nghĩa và lòng gan dạ, họ không có gì, "tay không bắt giặc" để rồi phải nhận lấy sự nguy hiểm đối với tính mạng của họ cùng sự lo lắng, mất mát, đớn đau của người thân. Hãy để lực lượng công an được trang bị đầy đủ trang thiết bị, vũ khí cũng như nghiệp vụ chịu trách nhiệm và làm đúng bổn phận của họ. Trên thế giới, nhiều nước không khuyến khích người dân bắt cướp mà chỉ yêu cầu phối hợp bằng cách báo tin; bắt cướp là việc của lực lượng chuyên nghiệp.
"Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xã hội có thiết chế của nó để duy trì sự vận hành liên tục. Không nên làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn" - bạn đọc Nguyễn Thành Sử nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, bạn đọc Quang Trần đề nghị không thành lập các đội "hiệp sĩ", cần khôi phục lại các đội săn bắt cướp như đã từng có và xây dựng lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn.
"Bắt cướp là việc của công an, người dân chỉ hỗ trợ nếu gặp tình huống và thông tin cho công an trừ tội phạm. "Hiệp sĩ" lơ mơ đánh cướp mà nó chết là "hiệp sĩ" lại đi tù. Hơn nữa, "hiệp sĩ" không có kỹ năng, không được đào tạo, không rành luật, không có võ, không có vũ khí làm sao bắt cướp hiệu quả?" - bạn đọc Trần Văn Lý nêu vấn đề.
Nhóm “hiệp sĩ” phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đi tuần traẢnh: Như Phú
Cần nhưng phải được quản lý, huấn luyện
Hiện nay, địa bàn TP HCM đông dân, rộng lớn, tội phạm cướp giật ngày một manh động, hung hãn và chuyên nghiệp. Trong khi lực lượng công an có nơi, có lúc làm việc chưa hiệu quả, chưa bao quát hết địa bàn, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì theo nhiều ý kiến bạn đọc, rất cần có những "hiệp sĩ" để xã hội và người dân đỡ bất an hơn. Vấn đề đặt ra là nếu xã hội cần có các "hiệp sĩ" thì phải làm gì để mô hình này phát triển hiệu quả, bảo vệ được sự bình yên cho người dân, không có sự lạm quyền và đặc biệt bảo toàn tính mạng, sức khỏe của "hiệp sĩ".
"Hễ tỉnh, thành nào có anh em "hiệp sĩ" xuất hiện thì công an sở tại nên tập trung họ lại để huấn luyện nghiệp vụ về chống, săn bắt cướp; học đạo đức khi trở thành Lục Vân Tiên thời đại; có chính sách đãi ngộ xứng đáng; trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp bọn cướp giật, đồng thời tự bảo vệ mình trước nguy hiểm. Hãy xem họ là lực lượng nghĩa binh đặc biệt trừ gian diệt bạo" - bạn đọc Kim Kim Quyên gợi ý.
Còn bạn đọc Huu Binh thì cho rằng không chỉ cần mà "hiệp sĩ" là mơ ước của người dân lao động. Tuy nhiên, bắt trộm cướp không hề đơn giản, ngay cả lực lượng chuyên nghiệp được trang bị vũ khí, phương tiện mà nhiều khi còn có thể hy sinh, huống chi người tay không. Vì vậy, muốn trở thành "hiệp sĩ" không chỉ có tâm mà phải có tầm nữa, phải được tổ chức, quản lý và trang bị các loại vũ khí, phương tiện tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Cần có chính sách cho "hiệp sĩ"
"Hiệp sĩ" được hiểu là những người sinh sống bình thường, có lòng tốt, biết thương người, luôn hành động trong những tình huống nguy cấp, phát lộ trong những tình cảnh nguy hiểm, dùng trí, mưu và sức để ra tay. Điển hình là nhóm "hiệp sĩ" Tân Bình vừa ra tay bắt trộm, bảo vệ tài sản cho người dân. Đây là nghĩa cử mà xã hội cần tôn vinh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên thành lập tổ chức "hiệp sĩ" vì đã có lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, bảo vệ khu phố với nhiệm vụ duy trì, bảo vệ trị an cho nhân dân. Xã hội đã có sự phân công vai trò, trách nhiệm rõ ràng. Mỗi người chỉ cần làm tốt vai trò của mình thì xã hội sẽ bình yên.
Mô hình "hiệp sĩ" chỉ cần thiết ở những đô thị lớn, đông dân và phức tạp nhưng phải là những người có sức khỏe, lanh trí, biết võ thuật. Chính quyền địa phương cần đưa họ vô một mạng lưới xã hội để dễ trao đổi, quản lý, đào tạo kiến thức pháp luật, tâm lý học… và có chính sách để động viên họ về tinh thần, vật chất. Ví dụ khi họ gặp nạn thì phong tặng danh hiệu và có chính sách trợ cấp cho cha mẹ già, con nhỏ của họ.
P.Dũng ghi
Đề xuất công nhận 2 "hiệp sĩ" tử nạn là liệt sĩ
Ngày 17-5, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 3 nghi can Nguyễn Tấn Tài (tự Tài "mụn", SN 1994, ngụ quận 12), Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ huyện Hóc Môn) về tội "Trộm cắp tài sản" và "Giết người"; Ngô Văn Hùng (SN 1986, ngụ quận Gò Vấp) tội "Che giấu tội phạm". Hiện cơ quan công an đang xem xét làm rõ vai trò và xử lý một số đối tượng khác có liên quan đến vụ án. Chiều cùng ngày, thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 ) - Công an TP HCM, đã cùng các chiến sĩ, điều tra viên đến bệnh viện thăm các "hiệp sĩ" đang điều trị, đồng thời gửi một khoản chi phí nhằm động viên các "hiệp sĩ". Đây là khoản khen thưởng của UBND TP dành cho PC45 vì có thành tích nhanh chóng phá án, cộng với nguồn kinh phí của phòng.
Để ghi nhận hành động dũng cảm của 2 "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam đã xả thân bảo vệ tài sản của công dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị UBND TP HCM xem xét, có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 2 "hiệp sĩ".
P.Dũng - P.Anh
Bình luận (0)