xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểu đúng về tiêm vắc-xin Covid-19

ANH THƯ

Vắc-xin Covid-19 ra đời kết hợp với 5K giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh chứ không phải tiêm vắc-xin là để thay thế cho 5K

Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), xung quanh ý nghĩa thực sự của vắc-xin Covid-19, cũng như một số thắc mắc về việc vì sao vắc-xin không thể giúp phòng bệnh 100%, vì sao tỉ lệ bệnh nhẹ ngày càng gia tăng nhưng không thể chọn phương án miễn dịch cộng đồng tự nhiên...

Phóng viên: Trên thế giới, thỉnh thoảng có những trường hợp tiêm vắc-xin Covid-19 rồi vẫn mắc bệnh. Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ phân tích việc này ra sao?

- Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH: Tôi khẳng định từ xưa đến nay không có vắc-xin nào tạo miễn dịch 100% và ngay lập tức vì còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của mỗi người. Giá trị chính của vắc-xin là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng chích, ai cũng có miễn dịch 70% chẳng hạn, thì mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng đó sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn vì quá khó lây; có chăng cũng chỉ một vài ca lẻ tẻ, tức là không sao hết.

Hiểu đúng về tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh. Ảnh: TẤN THẠNH

Vắc-xin của bệnh cũ khác vắc-xin Covid-19, bởi Covid-19 không đơn thuần ảnh hưởng đến tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến kinh tế. Vắc-xin Covid-19 hiện nay cũng không cần phải tạo miễn dịch 100%, quan trọng là nó đạt được miễn dịch khoảng 50%-70%, cộng thêm độ phủ tốt khoảng 70% trở lên, thì kinh tế có thể dần hồi phục.

Như vậy, có lẽ đại dịch khó chấm dứt theo cách nhiều người mơ ước là SARS-CoV-2 biến mất hoàn toàn?

- Đại dịch sẽ biến mất theo cách nó không còn nguy hiểm với con người và không ảnh hưởng đến kinh tế. Đừng hy vọng nó biến mất hoàn toàn, mà cần đợi nó sẽ lây theo cách của những bệnh thông thường.

Tiến trình tự nhiên để một virus "thuần" với con người là nó sẽ tìm cách lây lan nhanh hơn nhưng bệnh ngày càng nhẹ. Tuy nhiên, nếu để điều đó diễn ra tự nhiên thì không ổn. Miễn dịch cộng đồng nhanh, tức để bệnh lây nhanh thì sẽ trả giá bằng tử vong. Miễn dịch cộng đồng chậm bằng cách giãn cách, hạn chế di chuyển, đóng các đường bay… thì sẽ trả giá bằng kinh tế. Vì thế, chỉ có vắc-xin cộng với 5K, có thể cộng với miễn dịch cộng đồng tự nhiên ở nhóm khỏe mạnh, thì mới có thể hồi phục kinh tế mà không phải đánh đổi bằng tử vong.

Nhiều người đang hy vọng được tiêm vắc-xin Covid-19 rồi là quay ngay về trạng thái bình thường cũ, không cần khẩu trang, tự do đi khắp nơi. Ông nghĩ sao về điều này?

- Như tôi đã nói vắc-xin Covid-19 còn mang sứ mệnh giúp khôi phục kinh tế. Hiện nay, vắc-xin Covid không chỉ cần để giảm tỉ lệ tử vong mà còn cần cho sự tái hòa nhập để phát triển kinh tế. Chỉ riêng 5K thì chưa đủ để dịch bệnh lây lan đủ chậm, nên giờ cả thế giới vẫn đang phải có các biện pháp giãn cách, hạn chế giao thương để ưu tiên phòng bệnh. Vắc-xin ra đời để kết hợp với 5K, giúp chúng ta đủ sức khống chế dịch bệnh để giao thương chứ không phải tiêm vắc- xin là để thay thế cho 5K!

Hiểu đúng về tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 2.

Tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 Nanocovax tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (tỉnh Long An) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có ý kiến cho rằng bệnh đang ngày càng nhẹ đi, tỉ lệ người bệnh không triệu chứng ngày càng nhiều thì sao không để miễn dịch tự nhiên?

- Tỉ lệ bệnh nhẹ nhiều nhưng tổng số ca bệnh quá nhiều trong cộng đồng thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế. Có 10 người bệnh mà 100 người chữa bệnh khác với có 1.000 người bệnh mà vẫn chỉ có 100 người chữa bệnh. Đâu thể đào tạo ngay ra bác sĩ để chữa bệnh được. Khi đó người bệnh nặng, dù tỉ lệ thấp nhưng số lượng vẫn nhiều, họ không được chăm sóc đầy đủ thì dễ tử vong. Người chỉ hơi hơi nặng, đáng lý khỏi bệnh nếu được điều trị thì cũng có thể tử vong khi không được chăm sóc đầy đủ.

Hơn nữa, Covid-19 vẫn là bệnh mới, chưa thể biết người bệnh rồi sẽ có miễn dịch tự nhiên bao lâu. Chẳng may giống cúm, bị rồi vẫn bị lại, mỗi năm chích vắc-xin một lần mới ngừa được thì sao? Vì thế, phải "thủ" sẵn vắc-xin, khi phát hiện người từng bệnh hết kháng thể, có thể tiêm ngay lại. Cũng không nên lo lắng thiếu vắc-xin. Khoảng tháng 6 này sẽ có thêm nhiều vắc-xin ra đời. Một số nhà máy như của Sanofi chẳng hạn, tuy không chế ra được vắc-xin nhưng có thể sẽ tham gia sản xuất vắc-xin do nơi khác chế tạo theo hợp đồng nhượng quyền. Như vậy, nguồn cung vắc-xin trên toàn thế giới sẽ ngày càng lớn.

Một số người sợ mình cao tuổi, có bệnh nền, được ưu tiên tiêm trước thì lại hóa ra nguy hiểm vì có thể dễ bị tác dụng phụ. Thực tế thì thế nào, thưa bác sĩ?

- Có bệnh nền, cao tuổi mới cần tiêm. Tác dụng phụ của vắc-xin là phụ thuộc vào việc cơ địa người đó có dị ứng hay không, chứ không phải do người đó yếu hay mạnh. Đang có bệnh mà bệnh cấp tính, ví dụ đang bị sốt siêu vi thì mới cân nhắc, đợi hết bệnh rồi tiêm; còn bệnh mạn tính thì không liên quan gì đến việc vắc-xin có tác dụng phụ nhiều hay không. Hơn nữa, vắc-xin Covid-19 đã được nghiên cứu để ưu tiên cho đối tượng nguy cơ của căn bệnh này, là người cao tuổi, có bệnh nền.

Chỉ tiêm cho người trên 18 tuổi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nguyên nhân các vắc-xin Covid-19 chỉ tiêm cho người trên 18 tuổi là vì chưa có nghiên cứu trên đối tượng trẻ em. Vắc-xin Covid-19 được chế tạo trong bối cảnh khẩn cấp nên ưu tiên chọn những đối tượng khác để nghiên cứu, ví dụ như người cao tuổi, có bệnh mạn tính, là những người dễ mắc Covid-19 nặng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo