Thời gian qua, giáo dục "được mùa" dư luận, toàn chuyện bức xúc. Từ việc các cô giáo "được vinh dự" (lời lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) điều động đi tiếp khách, uống rượu, đến chuyện lùm xùm "đạo luận án" của các thạc sĩ- tiến sĩ; chạy biên chế trong ngành mà điển hình là vụ hơn 500 giáo viên dôi dư ở huyện Krong Pak, Đăk Lăk và hiệu trưởng bị bắt vì nhận tiền chạy việc cho giáo viên. Gần đây nhất là chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở Long An, ở Nghệ An; cô giáo không nói suốt 4 tháng lên lớp ở TP HCM… Chuyện nào cũng liên quan đến hiệu trưởng.
Hiệu trưởng ở đâu khi giáo viên bị làm nhục (ở Long An, Nghệ An)? Hiệu trưởng làm gì mà cô giáo lên lớp không nói suốt 4 tháng mà nhà trường không hay biết? Những vụ việc vừa qua đã bộc lộ những lổ hổng về công tác bảo vệ, trách nhiệm lãnh đạo, mối quan hệ giáo viên- giáo viên, giáo viên- hiệu trưởng, nhà trường- gia đình. Khi các sự cố xảy ra, hiệu trưởng- người chỉ huy cao nhất ở trường, cứ bàng quan và vô tâm như khách qua đường.Việc xử lý của ngành giáo dục quá chậm và thụ động. Đáng lẽ phải làm ngay, làm quyết liệt thì cứ chờ chỉ đạo, bị áp lực xã hội và báo chí mới đủng đỉnh vào cuộc và lên tiếng nhẹ nhàng như không phải là người trong cuộc.
Giáo dục là "máy cái" của đất nước. Trường học là thánh đường của đạo đức. Một khi máy cái bị trục trặc và vận hành bởi những nhà quản lý kém thì các sản phẩm đều bị lỗi. Thành trì của đạo đức bị sạt lở loang lổ thì xã hội nhiễu nhương hỗn loạn là đương nhiên.
Việc gì cũng vậy, phải bắt đầu từ con người, từ các cấp quản lý, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Hiệu trưởng là người đứng đầu cơ sở giáo dục, là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của nhà trường nên cần phải gương mẫu, có tài, đức, có uy tín và bãn lĩnh chỉ huy chứ không thể là những người nhu nhược, thiếu bản lĩnh và cái tâm trong xử lý tình huống.
Bình luận (0)