Quả thật, đất nước hòa bình là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, khi chiến tranh đã lùi xa, không còn sự xâm lăng của ngoại bang, vắng tiếng súng, khói bom... Tuy nhiên, cuộc sống của người dân đây đó vẫn còn chưa trọn vẹn, bình yên.
Chưa thể gọi là thái bình khi mà hằng ngày ra đường, người dân vẫn bất an vì sợ cướp giật, trộm cắp, tai nạn giao thông, đinh tặc...; ở đâu cũng thấy tấm bảng thông báo “Coi chừng mất xe” hay “Khóa xe cũng mất”. Cũng chưa thể thái bình khi cẩu tặc lộng hành, đánh bả chó ngay giữa thanh thiên bạch nhật; những án mạng dễ dàng xảy ra mà nguyên nhân có khi chỉ vì tiếng nẹt pô, cái nhìn “đểu”, một câu nói đùa không đúng lúc…
Ngay cả những môi trường mang tính nhân văn, nhân đạo như bệnh viện, trường học cũng nhiều phen lao đao bởi côn đồ vào quậy phá, hành hung y - bác sĩ; học sinh kéo bè, kéo cánh đâm chém nhau hoặc tham gia trấn lột bạn học… Làm sao có thể gọi là thái bình khi phải chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều những “hiệp sĩ đường phố”, những “Tháng hành động A”, “Tuần lễ B”, những “chiến dịch…”, “đợt ra quân…”?
Vẫn biết không thể đòi hỏi một xã hội tuyệt đối hoàn hảo, không có tai nạn giao thông, trộm cướp, giết người, tham nhũng... Thế nhưng, một cuộc sống thái bình - hay gần gũi hơn là sự bình yên cho mỗi người dân - luôn là yêu cầu và đòi hỏi cấp bách mà bất cứ chế độ ưu việt nào cũng mong muốn và nỗ lực hướng tới.
Để làm được điều này, đòi hỏi pháp luật phải nghiêm minh, chặt chẽ; những người thực thi pháp luật cũng như các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, vì nước, vì dân phục vụ. Đặc biệt, phải thường xuyên, liên tục giáo dục, xây dựng tính tự giác, ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân... Chỉ có sự chung sức, chung lòng chống lại cái xấu, cái ác; “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” mới mong đem lại thái bình cho nước, cho dân.
Bình luận (0)