"Tình trạng biển xâm thực ở phía Nam cảng cá Đề Gi (thuộc thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, sang tháng 4 đến tháng 8 năm sau thì tự bồi lấp lại. Năm nào cũng vậy nên không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Tuy nhiên, đầu tháng 4-2017 đến nay, nạn xâm thực biển diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng, tài sản của chúng tôi cũng như rừng phòng hộ ven biển" - người dân thôn An Quang Đông phản ánh.
Bất thường
Có mặt tại bãi tắm nằm cạnh cảng cá Đề Gi, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định, chúng tôi ghi nhận một đoạn bờ biển dài hàng trăm mét bị sạt lở nặng, làm ngã hàng loạt cây phi lao trong khu rừng phòng hộ ven biển.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một quán nước tại đây, cho biết bờ biển bị sạt lở khiến khách du lịch ít đến. "Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày cuối tuần, bãi biển đẹp với dải cát vàng thoai thoải thu hút hàng trăm lượt khách du lịch đến chơi, tắm biển. Gần đây, bờ biển bị sạt lở, bãi tắm lại sâu bất thường nên khách ngại đến, còn chúng tôi sống trong lo âu, thấp thỏm. Nếu tình trạng này kéo dài, mùa mưa bão tới chắc biển sẽ cuốn trôi hơn 20 hộ dân ở đây" - chị Hà nói.
Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, khoảng 1 tháng qua, tình hình xâm thực bờ biển tại khu vực phía Nam cảng cá Đề Gi có chiều hướng gia tăng bất thường. Đặc biệt, giữa tháng 4, khoảng 400 m chiều dài bờ biển ở khu vực này bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền khoảng 40 m, quật ngã nhiều cây phi lao trong rừng phòng hộ, cuốn trôi gần 1.300 m3 đất dọc bờ biển, uy hiếp đến nhiều nhà cửa của người dân. Trước những diễn biến bất thường này, xã đã báo cáo cấp trên để có phương án xử lý.
Bãi tắm nằm cạnh cảng cá Đề Gi bị sạt lở bất thường
Do tận thu cát?
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, người dân thôn An Quang Đông khẳng định do hoạt động khai thác cát từ nhiều năm qua của Công ty CP Khoáng sản Kiến Hoàng (trụ sở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; gọi tắt là Công ty Kiến Hoàng). "Công ty Kiến Hoàng là nhà thầu nạo vét cát thông luồng tàu cửa biển Đề Gi nhưng không hiểu sao họ hết hút cát dưới biển lại lên bờ xúc cát mang đi. Mấy năm qua, ngày nào bờ biển cũng có hàng chục xáng cạp, sà lan hút cát ngày đêm trong khu vực này. Gần đây, khi xảy ra sạt lở, công ty thu dọn thiết bị hút cát rồi lặn mất tăm" - một người dân địa phương bức xúc.
Từ năm 2014, Công ty Kiến Hoàng được UBND tỉnh Bình Định cho phép thực hiện dự án nạo vét thông luồng cửa biển Đề Gi và tận thu nguồn cát nạo vét với khối lượng khoảng 1 triệu khối cát nhiễm mặn để xuất khẩu nhằm bù đắp chi phí thi công. Theo thiết kế, vùng cho phép nạo vét tận thu cát là khu vực luồng và phía Nam cửa biển. Thế nhưng, Công ty Kiến Hoàng không chỉ nạo vét trong khu vực cho phép mà còn khai thác cát cả khu vực bên ngoài khu vực cho phép. Thậm chí, theo người dân địa phương, công ty còn đưa cả thiết bị lên bờ phía bên kia cửa biển để hút cát cả ngày lẫn đêm. Được biết, thời gian qua, Công ty Kiến Hoàng đã xuất khẩu hàng trăm ngàn mét khối cát nhiễm mặn sau khi khai thác được từ cửa biển Đề Gi với giá khai báo thông quan chỉ từ 0,8 đến 1,2 USD/m3, tức khoảng 20.000-25.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá loại cát này tại thị trường TP Quy Nhơn khoảng 100.000 đồng/m3.
Trả lời về vấn đề này, ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho rằng hiện các sở, ngành đang kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển thôn An Quang Đông, ông không tham gia nên không nắm cụ thể. "Hiện khu vực này không ai hút cát, riêng Công ty Kiến Hoàng đã dừng hút cát ở cửa biển Đề Gi từ cuối năm 2016" - ông Ngân nói.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cuối tháng 7-2016, sở kết hợp các ngành liên quan kiểm tra việc nạo vét cát thông luồng tàu cửa biển Đề Gi. Đoàn kiểm tra đã phát hiện Công ty Kiến Hoàng khai thác cát chủ yếu ở khu vực trước luồng với khối lượng 255.000 m3, ngoài khu vực thiết kế cho phép. Sở Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công ty Kiến Hoàng dừng ngay việc nạo vét không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt; yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát về độ sâu trong khai thác, tránh khai thác sâu quá mức cho phép để khỏi ảnh hưởng 2 bên bờ cửa biển và các công trình liên quan khác ở khu vực này.
Tỉnh chỉ đạo kiểm tra
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sau khi nắm được thông tin biển xâm thực bất thường vào đất liền ở thôn An Quang Đông, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Phù Cát kiểm tra. Trên cơ sở đó, khẩn trương báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Bình luận (0)