xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoang tàn Thành cổ Biên Hòa

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Thành cổ Biên Hòa (còn gọi là thành Kèn, thành Cựu, thành Xăng-đá... - nằm ở trung tâm TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vừa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cuối năm 2013 nhưng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào

Thành cổ Biên Hòa nằm ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, khuất sau những khu chợ, trung tâm thương mại và phố xá đông đúc. Lối vào thành cổ cũng là cổng vào nơi làm việc của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai.

Xơ xác, tan hoang

Thành cổ Biên Hòa được coi là cổ nhất của Nam Bộ còn sót lại, từng chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất Biên Hòa nhưng khi đến đây, chúng tôi hỏi thì hầu như không ai biết.

Bước vào bên trong khu thành cổ, chúng tôi cũng khó hình dung được hình thù nó như thế nào. Sâu bên trong chỉ còn lại vài đoạn tường thành, bị che lấp bởi cỏ dại xen lẫn với hàng rào nhà dân và các bức rèm của quán cà phê. Những vòng tường thành thì sứt mẻ, đổ nát. Dấu tích còn lại rõ nét nhất là một ngôi biệt thự nằm trơ trọi ở phía cổng chính, kiến trúc theo kiểu Pháp. Song, bên trong ngôi biệt thự cũng hoang tàn, đổ nát không kém.

Được một nhân viên Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai dẫn đường vào Thành cổ Biên Hòa, chúng tôi như lạc đến một thế giới khác hẳn bên ngoài. Cả khu vực hết sức lặng lẽ, u tịch, xung quanh mạng nhện giăng đầy, vôi vữa bong tróc, rêu phủ dày. Gián, chuột, côn trùng thấy bóng người bỏ chạy nháo nhác. Từ các cửa sổ bị đục bỏ, cành, rễ cây bên ngoài chui vào ăn sâu vô các bức tường...

Chúng tôi phải rón rén bước lên cầu thang làm bằng sắt đã mục ruỗng của ngôi biệt thự. Chúng tôi tưởng như mái ngói, ống khói, những mảng tường… có thể đổ sập xuống đầu bất cứ lúc nào. Dưới sàn nhà, nền gạch bong tróc, mùi ẩm mốc ngột ngạt. Trong góc các căn phòng vứt chỏng chơ những vật dụng gãy đổ. Đứng từ trong các căn phòng của ngôi biệt thự nhìn ra, có cảm giác đây là một thế giới hoàn toàn bị quên lãng…

“Thành cổ Biên Hòa là chứng nhân lịch sử của nhiều thời kỳ, dù hoang tàn theo thời gian nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp dĩ vãng vô cùng quý giá. Tiếc thay, với di tích đáng lẽ ra là niềm tự hào của người dân Biên Hòa này, chúng ta chưa làm tốt việc bảo tồn, gìn giữ cho con cháu mai sau” - nhân viên ban quản lý cảm thán.

Bên trong ngôi biệt thự ở Thành cổ Biên Hòa, nhiều hạng mục đã hư hại, đổ nát
Bên trong ngôi biệt thự ở Thành cổ Biên Hòa, nhiều hạng mục đã hư hại, đổ nát

Mòn mỏi chờ tôn tạo

Theo tư liệu, Thành cổ Biên Hòa có từ thế kỷ XIV-XV do người Lạp Man (Chân Lạp) xây dựng bằng đất, gọi là Thành Cựu. Điều chắc chắn là đến thời nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ 15 (1816), thành được xây dựng lại trên nền đất thành cũ và vẫn được gọi với tên Thành Cựu. Thành xây theo hình cánh cung, xung quanh có hào rộng, sâu. Công trình có 4 cửa và 1 kỳ đài phía chánh điện, mỗi cửa có một cầu đá bắc qua để làm lối vào ra.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), thành được xây lại bằng đá ong và đổi tên thành Thành Biên Hòa. Hiện nay, không gian thuộc thành cổ được xác định rộng khoảng hơn 10.000 m2.

Khi thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, Thành Biên Hòa là nơi phòng thủ cự địch của quan quân nhà Nguyễn. Sau khi chiếm được thành, thực dân Pháp cho xây dựng lại, thu gọn chu vi còn 1/8 và gọi là thành Xăng-đá (thành Lính hoặc thành Kèn).

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quan lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, Thành cổ Biên Hòa được bàn giao cho đơn vị năm 2009 (trước đó, công an tỉnh được quân đội bàn giao tiếp quản, dùng làm kho hậu cần). Năm 2010, kế hoạch trùng tu, phục dựng thành cổ được đề ra và UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 25 tỉ đồng. Sau đó, vốn được điều chỉnh lên 41 tỉ đồng. “Thế nhưng, chờ đợi mỏi mòn và vì nhiều lý do khách quan mà mãi đến nay, kế hoạch trùng tu, tôn tạo thành cổ vẫn chưa thực hiện được” - ông Dũng băn khoăn.

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành tỉnh Đồng Nai tiếp tục họp bàn về việc trùng tu Thành cổ Biên Hòa. Ông Trần Quang Toại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết vì thấy kinh phí trùng tu, tôn tạo công trình là quá lớn và khó triển khai trong thời gian ngắn nên các đơn vị nhất trí trước mắt, phải đề nghị tỉnh thông qua phương án chống xuống cấp với kinh phí hơn 15 tỉ đồng.

“Thành cổ Biên Hòa hiện có thể sập bất cứ lúc nào. Biện pháp cấp bách nhất là phải sửa lại phần mái ngói và một số bộ phận liên quan, tránh sự xâm nhập từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến các hạng mục công trình khác…” - ông Toại nói. 

Thành cổ hiếm hoi còn lại ở Nam Bộ

Ông Lê Trí Dũng cho biết ở Nam Bộ trước đây còn có các thành cổ như Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Vũng Tàu… nhưng đến nay, qua thời gian đều đã không còn. Vì vậy, Thành cổ Biên Hòa được xem là thành cổ duy nhất còn sót lại ở vùng đất Nam Bộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo