Tiến sĩ tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN, cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam:
Bắt đầu từ chế tài
Để hạn chế tối đa tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân và người xung quanh, người điều khiển phương tiện buộc phải bảo đảm các điều kiện như đủ độ tuổi, sức khỏe; đồng thời phải có giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe được phép điều khiển…
Từ các vụ tai nạn cho thấy chiếm tỉ lệ lớn các vụ tai nạn là do không làm chủ tốc độ. Đặc điểm tâm lý ở học sinh dưới 18 tuổi là thích ganh đua, thích chứng tỏ bản thân, khả năng kiềm chế thấp nhưng khả năng hưng phấn rất cao.
Đây là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi đó, phụ huynh quan tâm đến yếu tố thuận tiện hơn là an toàn, giao xe cho con nhưng không hướng dẫn cách sử dụng an toàn, các quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ để rồi khi xảy ra sự việc đáng tiếc, phụ huynh lại hối hận nói "ước gì, giá như…".
Xử phạt phụ huynh giao xe cho con chưa đủ tuổi chạy xe, chở theo người lớn Ảnh: TRẦN THÁI
Giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi phải bắt đầu từ chế tài và sự phối hợp của nhà trường cùng những lực lượng liên quan. Nếu nhà trường kiên quyết xử lý sẽ không có chuyện học sinh điều khiển xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi. Chẳng hạn, nhà trường có thể áp dụng quy định giống như buộc học sinh phải mặc đồng phục đến trường, lập biên bản với những học sinh vi phạm...
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho học sinh rất quan trọng. Chỉ khi nào ban giám hiệu nhà trường nhìn thấy sự quan trọng của công tác này thì mới có được những hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp.
Nên có những phương pháp, hình thức tuyên truyền dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ thông qua người thật, việc thật, trực quan sinh động bằng những thước phim, những câu slogan ngắn gọn như: Xa lộ + Tốc độ = Vô mộ…
Lưu ý, mọi nỗ lực của lực lượng chức năng, nhà trường trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ không hiệu quả nếu cha mẹ quá nuông chiều con.
Chuyên gia tâm lý NGUYỄN HẢI AN:
Giao xe phải đi liền với quản lý con
Mới đây, ở tỉnh Đắk Lắk, một xe khách tông 2 học sinh lớp 10 thương vong khi đang trên đường đến trường cho thấy vấn đề an toàn giao thông đối với học sinh là đáng báo động.
Pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm dân sự và hình sự của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển nhưng nhiều phụ huynh hiện dễ dãi với việc này. Một số phụ huynh cho rằng khi trẻ được dạy dỗ thì sẽ lái xe cẩn thận, an toàn; không thể nói giao xe cho con là làm hư con…
Tuy nhiên, nghĩ như vậy là chưa phù hợp, vì trẻ dưới 18 tuổi não bộ vẫn chưa phát triển đầy đủ và tính hiếu thắng lớn. Đưa xe máy cho con chạy khi chưa đủ tuổi không những trái quy định pháp luật mà còn không khác gì đưa vũ khí làm hại con.
Đối với trẻ được sử dụng loại xe dưới 50 phân khối, trường hợp cần thiết phải giao xe cho trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn cách chạy đúng tốc độ, bảo dưỡng đúng thời hạn; dạy trẻ rằng xe máy là phương tiện phục vụ việc đi lại, không phải là công cụ để thể hiện; phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là biết quý trọng sức khỏe, tính mạng bản thân và người khác… Nói tóm lại, giao xe cho con phải đi liền với việc quản lý con sử dụng.
Ngay đầu năm học, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ huynh về vấn đề này; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho học sinh một cách cụ thể bằng hình ảnh, thậm chí là câu chuyện từ người đã từng là nạn nhân của tai nạn giao thông. Có như thế mới chạm vào ý thức học sinh, từ đó ngăn ngừa hậu họa.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn:
Nhà trường là chốt chặn quan trọng
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe máy hoặc phương tiện tương tự có dung tích xi-lanh không vượt quá 50 phân phối. Thế nhưng thực tế, nhiều học sinh dưới 16 tuổi vẫn dùng xe máy đi học, thậm chí xe trên 50 phân khối, không đội mũ bảo hiểm... Vấn đề ở đây là do nhiều cha mẹ yêu thương, cưng chiều con chưa đúng cách hoặc giao xe cho con để đỡ vất vả, đỡ mất thời gian đưa đón...
Trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe máy, nhà trường là chốt chặn quan trọng vì trực tiếp tiếp xúc và thường xuyên gần gũi với học sinh. Do đó, nhà trường cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc kỷ luật các trường hợp vi phạm để phòng ngừa hậu quả.
Thường xuyên vận động, tuyên truyền phụ huynh không cho con sử dụng phương tiện xe máy khi chưa đủ tuổi; trường hợp đủ điều kiện thì cũng cần lựa chọn phương tiện phù hợp, hướng dẫn kỹ càng, yêu cầu phải chấp hành tuyệt đối luật giao thông; phối hợp chặt chẽ với nhà trường...
Song song đó, xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ để giáo dục ý thức chấp hành, bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.
Siết quản lý bãi giữ xe
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phượng Uyên, cần sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa gia đình, nhà trường và các lực lượng chức năng, trong đó gia đình là nòng cốt. Ngoài ra, cảnh sát giao thông cần thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm; địa phương cần buộc những bãi giữ xe quanh trường học ký cam kết không nhận giữ xe máy trên 50 phân khối cho học sinh, nếu vi phạm thì buộc ngừng hoạt động.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-9
Bình luận (0)