Đó là khẳng định của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Phóng viên: Những vụ tự tử của học sinh (HS) gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì đang xảy ra với các HS và cả ngành giáo dục? Ông lý giải vấn đề này ra sao?
- TS Nguyễn Tùng Lâm: Đây thật sự là những thông tin buồn, rất buồn. Có vẻ như HS ngày nay học hành khổ quá, đến trường đầy nỗi lo lắng và sợ hãi. Rõ ràng, chương trình học ngày càng nặng, ôm đồm, cái gì cũng muốn HS phải học. Thêm vào đó, áp lực phải vượt qua kỳ thi là nỗi lo thường trực của HS. Trong khi HS ít được trang bị phương pháp học tập cũng như một số kỹ năng cần thiết nên càng học càng rối, càng căng thẳng, nặng nề. Khi những áp lực này vượt qua khả năng chịu đựng của trẻ, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Lúc này, một số em sẽ nghĩ cái chết chính là cách giải thoát để không phải chịu đựng những sức ép nữa.
Không nên vội quy kết, trách móc các em dại dột. Hãy nhìn rộng ra để thấy được lý do vì sao các em lại có những hành động tiêu cực như vậy. Có nhiều yếu tố dẫn đến con đường cùng này, bao gồm cả áp lực bên ngoài, áp lực bên trong. Kinh nghiệm từ nhiều năm làm hiệu trưởng một trường THPT của tôi cho thấy nhiều bậc phụ huynh rất ít khi chịu lắng nghe con. Họ luôn áp đặt con phải làm theo những gì mà họ đã vạch sẵn. Có những đứa trẻ gần như không còn có ước mơ của riêng mình.
Ngoài ra, nhiều trường chỉ mới dạy cho HS kiến thức chứ chưa dạy về kỹ năng. Chúng ta đều biết tư vấn học đường rất quan trọng nhưng lại không có nguồn lực để làm, không có kinh phí, không có biên chế cho giáo viên tư vấn tâm lý.
* Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về y tế học đường thì có tới gần 17% HS có ý định tự tử. Ông nghĩ gì về con số này?
- Với áp lực về thi cử, bằng cấp như hiện nay, việc nhiều HS rơi vào khủng hoảng tâm lý do áp lực học tập không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, với con số vừa được đưa ra thật sự là rất đáng lo ngại chứ không phải chỉ lo ngại. Lỗi là ở người lớn. Chúng ta đặt trên vai trẻ quá nhiều áp lực, trách nhiệm và kỳ vọng nhưng lại thiếu trang bị cho trẻ những kỹ năng để vượt qua những giây phút căng thẳng nhất; chưa dạy cho trẻ hiểu rằng sức ép, khó khăn trong cuộc sống là lẽ tất nhiên và bất cứ ai cũng gặp phải nhưng rồi những điều tồi tệ sẽ qua đi, cuộc sống dù có như thế nào thì cũng rất đáng sống.
* Là một hiệu trưởng cũng là một chuyên gia tâm lý học đường, ông có những lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ để giảm áp lực cũng như quá tải trong học hành cho con?
- Tôi nghĩ trước hết, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con để ăn một bữa cơm cùng nhau và chuyện trò. Chỉ những lúc như thế, các bậc cha mẹ mới biết và hiểu con mình đang nghĩ gì, cần gì để điều chỉnh cho hợp lý.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình. Ai cũng muốn con mình thông minh, giỏi giang, lớn lên có địa vị trong xã hội nhưng trên thực tế thì mỗi người đều có năng lực riêng, con đường đi tới đích cuộc sống của mỗi người vì thế cũng khác nhau. Người học giỏi nhất chưa chắc đã là người thành đạt nhất vì còn do nhiều yếu tố khác nữa. Hãy dạy con trước hết là một người con ngoan, biết thương yêu gia đình, bạn bè, biết chia sẻ và có trách nhiệm với xã hội. Hãy khuyến khích để trẻ có nghị lực phấn đấu; chỉ ra những cái lợi và hại nếu con thực hiện những điều đó. Tuyệt đối không được lấy đó làm áp lực, đến mức khiến trẻ bị ám ảnh rằng nếu thất bại thì không còn gì nữa.
Từ số báo ra ngày 29-12, Báo Người Lao Động mở diễn đàn “Học sinh tự tử vì áp lực: Lỗi ai?” và đã nhận được nhiều ý kiến, bài viết của bạn đọc. Trân trọng cảm ơn sự tham gia của quý độc giả.
Áp lực từ ban đại diện phụ huynh
Là một phụ huynh, tôi còn thấy có một áp lực không nhỏ từ một tổ chức đáng lẽ ra là người đồng cảm, đồng hành cùng phụ huynh chúng tôi trong việc quan tâm, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi HS trong trường hợp cần thiết nhưng lại là “cánh tay nối dài” của nhiều trường.
Tôi muốn nói đến hội đại diện cha mẹ HS ở các trường.
Hầu như, các hội đại diện (và cả phụ huynh) đều xem mình là người của nhà trường, do trường cử ra. Điều đó làm cho các hội đại diện không còn là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và tiếng nói của phụ huynh HS; ngược lại, tạo thêm rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực tài chính. Phụ huynh bị quá nhiều khoản phí “bủa vây” nay lại thêm quỹ trường, quỹ lớp, quỹ khuyến học... càng khiến họ mệt mỏi. Sức ép đó cuối cùng cũng đổ lên đầu HS khi chi phí học tập cao, phụ huynh lại càng đòi hỏi cao ở con mình.
Phan Hiền (TP HCM)
Bình luận (0)