Hội An chiều cuối năm, cơn mưa muộn của mùa mưa không có lũ. Nước mưa vừa kịp dềnh lên bên hiên nhà. Những con phố vắng người qua lại. Không gian yên tĩnh có thể nghe tiếng những giọt mưa đan chéo vào nhau. Phố cổ trong mưa lạnh nhỏ bé, trầm mặc mà ấm cúng…
Tôi như đang trở về với Hội An của ngày nào khi lần đầu tiên lạc đến chốn bình yên, lắng đọng thân quen này. Tiếng cười trẻ thơ trong vắt vang lên. Những chiếc thuyền giấy trôi nhanh theo dòng nước. Mấy đứa trẻ thập thò khoát nước đẩy thuyền trôi…
Hội An là vậy, luôn có một góc để ta tìm thấy mình ở đó, cái cảm giác thân quen gần gũi mà Chế Lan Viên đã viết "không là quê mà là hương, khổ thế". Dường như ai cũng tìm thấy một chút quê hương của tâm hồn mình khi đến Hội An và rồi gắn bó với Hội An không lý lẽ.
Hội An giữ được nét đẹp, sự quyến rũ du khách không phải bằng lý lẽ, vật chất, không phải bằng sự tráng lệ, to tát, ồn ào mà bằng sự chân chất, mộc mạc, hiền hòa, lặng lẽ… Hội An để lại sự vương vấn, sự trở về trong sâu thẳm bởi nét đẹp văn hóa và con người. Tất cả đã tạo ra một hồn cốt Hội An say lòng người, thu hút người ta tìm đến.
Cơn mưa nhập nhòa, khi những chiếc thuyền giấy trôi nhanh trong tiếng cười thơ trẻ thì sông Hoài - con sông như chiếc gương soi của phố cổ - cũng được duỗi mình nghỉ ngơi. Những chiếc thuyền chở khách du lịch thả neo đậu san sát được tắm mát sau những ngày gồng mình tất tả ngược xuôi.
Sông Hoài dường như mang một diện mạo mới khi du lịch Hội An phát triển. Hai bên bờ sông, những bụi tre, khóm lau, bãi bắp nhường dần cho các khu phố, khách sạn, nhà hàng. Nước sông Hoài vẫn bình thản trôi ra biển, trôi cả những ồn ào, náo nhiệt trên bờ, dưới sông. Nhưng dòng sông đang bị thu hẹp, cắt xẻ, đôi khi chẳng nhận thấy được mặt nước bởi sự ken đặc trên bến, dưới thuyền. Buổi tối, những chiếc hoa đăng phải len lách qua những mạn thuyền để trôi lãng đãng trên sông.
20 năm sau khi UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999-2019), Hội An được gì, mất gì? Hội An phát triển có sự đánh đổi nào không? Hội An có còn là Hội An khi lượng du khách đến đây đông gấp 45 lần dân số địa phương? Hội An tiếp biến thế nào? Áp lực có khiến Hội An thay đổi?... Tôi mang những băn khoăn đó hỏi ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - người có 20 năm thăng trầm cùng Hội An và giờ dù đã nghỉ nhưng dường như phố cổ chưa một ngày vắng ông.
"Sự thay đổi và phát triển nào cũng có cái giá của nó. Nhưng tôi tin Hội An đã chọn đúng cách để phát triển. Hội An làm mới mình nhưng vẫn là Hội An. Hội An hội nhập, theo kịp thời đại nhưng vẫn là Hội An. Lịch sử và con người Hội An đã chứng minh điều đó. Giữ cân bằng cho sự phát triển bền vững của Hội An chính là đặc điểm "có quê có thị". Văn hóa làng và văn hóa thị đan xen nhau. Văn hóa làng níu kéo, gạn lọc văn hóa thị; văn hóa thị làm văn hóa làng tiếp cận cái mới, không bảo thủ, lạc hậu. Hai cái đó ràng buộc nhau khiến Hội An không dễ đổ vỡ trước những thay đổi" - ông Nguyễn Sự lý giải.
Theo ông Nguyễn Sự, điều đặc biệt của Di sản văn hóa Hội An chính là không gian sống. Không gian đó được tạo dựng, giữ gìn và phát triển bởi cư dân Hội An. Cư dân Hội An được hình thành cũng khá đặc biệt và tạo nên sự khác lạ - chứ không khác biệt - so với cư dân nơi khác. Sự buôn bán giao lưu tấp nập của cảng thị Hội An thế kỷ XVII đã góp phần hình thành nên cư dân Hội An từ những lưu dân mọi vùng miền, trong và ngoài nước. Họ ở lại Hội An, nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh, không cam chịu và luôn chủ động đón bắt thời cơ, vượt qua thách thức để tồn tại và phát triển. Chính những cư dân đó đã tạo ra một không gian sống đặc biệt của Hội An - hài hòa giữa thôn quê và phố thị.
Vẻ đẹp riêng, giá trị thực của Hội An thể hiện trong con người, nếp sống, không gian. Đó là sự thô mộc, chân chất nhưng tinh tế, nhẹ nhàng, hài hòa, lặng lẽ. Không gian đó là những cánh đồng, ngôi nhà, rừng dừa, con đường, ngõ nhỏ, đèn lồng, khúc dân ca…; là cuộc sống đời thường, sự ứng xử, nếp nhà trong mỗi gia đình, con người Hội An.
Ngay cả những biến cố thiên nhiên cũng làm nên nét đẹp riêng, nét đặc biệt của Hội An. Ở nơi khác, lũ lụt mang đến những hình ảnh hoang tàn, đổ nát, thậm chí tang thương… Nhưng ở Hội An, lũ lụt để lại hình ảnh những ngôi nhà mái ngói rêu phong, bức tường vàng dầm mình trong nước, đường phố biến thành dòng sông nhỏ, ngôi nhà - bóng cây nhập nhòa trong bóng nước khi chút nắng hé lên…
Những vườn rau sạch ở Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Trà Quế… đang tạo ra nét riêng cho du lịch Hội An. Hướng du lịch cộng đồng bền vững mang lại thu nhập cho nông dân Hội An. Chính khung cảnh làng quê thanh bình đã tạo nên giá trị khác biệt cho Hội An. Bây giờ, thu nhập từ khách du lịch của nông dân cao gấp nhiều lần so với hạt lúa, bó rau họ làm ra. Ngư dân vùng nước chua phèn Cẩm Thanh cũng đang đổi đời bằng các dịch vụ cho du khách tham quan rừng dừa.
Hội An chủ động thích nghi với sự thay đổi của thời cuộc, tạo sự phát triển bền vững. Những gì thích nghi với không gian sống Hội An luôn được chấp nhận và tồn tại. Hội An có hàng trăm dự án đầu tư đang phát huy lợi thế về doanh thu. Các dự án chỉ tồn tại, phát triển nếu thích ứng với môi trường thiên nhiên, hài hòa với không gian sống Hội An.
"Trong sự phát triển của mình, không điều kiện ngoại cảnh hay khách quan nào có thể làm tổn thương Hội An. Chỉ khi sự thuần hậu của người Hội An bị đánh mất, Hội An mới bị đổ vỡ và tổn thương nghiêm trọng. Vì chính con người Hội An mới tạo ra được không gian sống Hội An để cư dân tồn tại và phát triển" - ông Nguyễn Sự nhấn mạnh.
Hội An đang đi lên và phát triển kinh tế du lịch bền vững từ tài nguyên văn hóa - nhân văn và tài nguyên thiên nhiên - hệ sinh thái - đa dạng sinh học. Không gian sống Hội An không chỉ trong phạm vi khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới mà còn bao gồm tổng thể cảnh quan sông nước, biển - đảo, làng quê, làng nghề truyền thống, cả vùng di sản văn hóa đô thị và nông thôn.
Bình luận (0)