Đến chiều 11-10, dù Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết đã cung cấp nước trở lại nhưng nhiều khu vực vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Điển hình, nhiều hộ dân ở phường Cẩm Châu, Cửa Đại phải kéo đến những nhà sử dụng nước giếng khoan xin nước để vệ sinh, riêng nước ăn uống phải mua nước đóng bình.
Tạm dừng cấp nước vì nhiễm mặn
Ông Nguyễn Viết Thành, Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, cho biết từ ngày 6-10, trạm thô cấp nước cho nhà máy xử lý nước của xí nghiệp trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị nhiễm mặn nặng nên phải tạm dừng hoạt động. Xí nghiệp phải sử dụng hồ nước dự trữ có dung tích 40.000 m3 để cấp cho người dân trên địa bàn TP nhưng đến ngày 9-10 thì cạn kiệt. Kể từ đó đến nay, mỗi ngày đơn vị chỉ bơm nước vài giờ khi triều xuống, nguồn nước cấp cho người dân khoảng 5.000-6.000 m3, trong khi lượng nước cung cấp trung bình mỗi ngày cho 11.000 hộ dân khoảng 15.000 m3. Vì vậy, chỉ một số khu vực ở gần mới có nước.
Gia đình ông Lê Cự phải mua nước đóng bình để nấu ăn
Từ 5 giờ 15 phút sáng 11-10, nước trên nguồn đổ về đã đẩy được lượng nước nhiễm mặn ra xa, đơn vị đã cho trạm bơm cũng như nhà máy xử lý nước hoạt động hết công suất. Dự kiến đến chiều cùng ngày, người dân toàn TP sẽ được cấp nước trở lại. Ông Thành nói nước sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn vào mùa này là điều rất lạ, lần đầu xảy ra. Hằng năm, chính quyền Quảng Nam bỏ gần 2 tỉ đồng để xây đập ngăn mặn tạm thời phục vụ tưới tiêu sản xuất, đến hết mùa lũ thì tháo đập. Theo ông Thành, nguyên nhân nước nhiễm mặn là do đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện vừa được tháo dỡ sau khi mùa vụ kết thúc. Để giải quyết tình trạng nước nhiễm mặn, đơn vị đang xúc tiến xây dựng trạm cấp nước thô tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) thay thế trạm hiện nay trong trường hợp xảy ra nhiễm mặn.
Vướng từ Đà Nẵng
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện chỉ mang tính thời vụ, tạm thời. Để giải quyết căn cơ, tỉnh Quảng Nam đã lập dự án, lên phương án đầu tư một cây cầu bắc qua sông Vĩnh Điện kết hợp xây đập điều tiết nước tự động với hệ thống van thủy lực. Đến mùa kiệt sẽ đóng van không cho mặn vào, mùa lũ hạ van để thoát nước và khi có hiện tượng thời tiết bất thường thì đóng van ngăn mặn. Công trình tốn khoảng 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chính quyền TP Đà Nẵng chưa đồng tình vì lo ngại xây đập ngăn mặn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước của TP.
"Khi bị nhiễm mặn, không chỉ riêng thị xã Điện Bàn mà cả Hội An bị ảnh hưởng, chưa kể gần 3.000 ha đất nông nghiệp Điện Bàn và một phần quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cũng bị nhiễm mặn. Xây đập điều tiết nước tự động sẽ tốt hơn là đắp đập ngăn cố định đến mùa lũ tháo như bây giờ vì có thể chủ động đóng mở được. Việc này không ảnh hưởng lớn đối với Đà Nẵng nhưng phía Đà Nẵng vẫn yêu cầu dừng xây. Hiện 2 địa phương đang tìm hướng để hài hòa lợi ích của người dân hai bên, tiến tới xây dựng đập"- ông Thanh nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Thanh, tình trạng nước nhiễm mặn ở TP Hội An một phần do thủy điện. Đầu tháng 9, các thủy điện đã hạ xuống mực nước đón lũ nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, tại Quảng Nam chưa xuất hiện mưa lớn nên các hồ thủy điện vẫn đang cạn, không thể xả nước về để đẩy mặn được.
Bình luận (0)