Trước Tết Nguyên đán 2014, gần 300 m đường vắt ngang một nhánh sông Thu Bồn được người dân đảo Đông Bình hợp sức làm đã hoàn thành. “Từ xưa đến nay, lần đầu tiên Đông Bình có xe 4 bánh về tận thôn. Con cháu làm ăn xa về chơi cũng vui mừng vì từ nay, dân đảo không còn cảnh cách trở như xưa” - ông Lê Hoặc, nguyên Chủ tịch UBND xã Duy Vinh giai đoạn 1985-1988, không giấu được niềm hân hoan.
Chờ lâu quá, dân hô hào làm
Từ ngày nghỉ hưu, ông Lê Hoặc vẫn cáng đáng nhiều công việc của đảo Đông Bình. Khi người dân quyết ngăn sông làm đường, ông được tín nhiệm bầu làm “trưởng ban xây dựng”. Với một người đã 73 tuổi, đó là một trách nhiệm lớn lao bởi cả 340 hộ - 1.500 người dân tin tưởng gửi gắm trách nhiệm vào ông và lãnh đạo thôn.
Đảo Đông Bình là nơi nghèo nhất xã Duy Vinh. Bao đời nay, người dân nơi đây luôn mơ ước có một con đường, một cây cầu để đi lại bớt khó nhọc, để không còn cảnh cách trở và vào mùa mưa, con em được an tâm đến trường. Những trận lũ liên tiếp trong năm 2013 khiến cây cầu phao xuống cấp trầm trọng, không thể qua lại được.
“Có sống ở đảo mới biết cảnh cơ cực của người dân, mới thấy hết khát khao của chúng tôi về một con đường nối với bên ngoài. Bức xúc lắm, bao nhiêu lần cử tri tiếp xúc đại biểu HĐND từ xã, huyện rồi đến tỉnh, ý nguyện của người dân đều được nêu ra nhưng chẳng có phản hồi. Không thể chờ mãi, dân làng hô hào nhau cùng làm” - ông Hoặc nhớ lại.
Đầu tháng 11-2013, toàn bộ người dân đảo Đông Bình tự nguyện góp tiền, góp sức để làm bằng được con đường qua sông Thu Bồn. Tổng số tiền đóng góp được gần 200 triệu đồng. Ngày 2-11-2013, con đường được khởi công. Hơn 2.000 ngày công của người dân được huy động. Cả một khúc sông trở thành công trường nhộn nhịp: người chặt tre, kẻ đóng kè, hút cát để đắp đường. Không ai bảo ai, mọi người đều hăng say miệt mài, mặc cho giá rét.
Không sợ “ngăn sông cấm chợ”
Cả đảo Đông Bình làm quần quật hơn 1 tháng, con đường dần dần hình thành cạnh ngã ba sông Thu Bồn và dòng Ly Ly. Công trình chỉ đắp bằng đất nên việc đi lại khá khó khăn, nhất là khi trời mưa. Lúc này, UBND huyện Duy Xuyên đã hỗ trợ 150 triệu đồng.
“Có thêm tiền, chúng tôi lại gọi nhau góp vốn làm nền bê tông. Người ta làm đường tính đến lợi ích kinh tế, còn dân Đông Bình làm đường vì chuyện thiết thực trong đời sống, như đi lại thuận tiện, con em được đến trường, người bệnh không còn lo lắng mỗi khi nước lớn...” - ông Hoặc tâm sự.
Nhiều người từng “bàn ra” rằng “ngăn sông cấm chợ” là điều tối kỵ. “Trước khi làm, tôi đã lên gặp lãnh đạo huyện trình bày ý kiến. Các anh lo ngại, rồi chuyện vi phạm giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường... Tôi nói thẳng: Cứ để dân làm, anh nào thanh tra, xử phạt thì tôi và dân làng đứng ra chịu hết. Ai cấm người dân ngăn sông làm đường thì cho xây cây cầu đi rồi cấm. Đó là ý nguyện của cả mấy trăm hộ dân, ai cấm được!” - ông Hoặc kể.
Ông Lê Công Bình, trưởng thôn Đông Bình, nhấn mạnh: “Không có sức dân, lòng dân thì không thể làm được con đường này. Ai cũng hồ hởi góp tiền, góp sức. Nhiều hộ nghèo lắm nhưng cũng gắng xoay xở dăm bảy chục ngàn đồng để đóng góp, nghĩ mà thương”.
Không cần sổ sách, ông Bình kể vanh vách những hộ nghèo vẫn nhiệt tình với việc làm đường: “Bà Lý đơn thân góp 500.000 đồng. Bà Lại nuôi 2 con bị bệnh thần kinh góp 400.000 đồng. Bà Nhện già cả sống một mình cũng đóng 300.000 đồng… Thấy họ nghèo quá, chúng tôi không chịu thu thì họ giận, vẫn quyết đóng góp”.
Dịp Tết vừa qua, con cháu đảo Đông Bình làm ăn xa về quê khá đông đủ. Thấy bà con đổ công sức, tiền của ngăn sông làm đường, nhiều người liền ủng hộ vài chục triệu đồng. “Số tiền ủng hộ này được để dành mua xi măng, sắt thép tiếp tục gia cố con đường thêm chắc chắn, có thể chống chọi được mưa lũ” - ông Bình cho biết.
Đường đến trường hết chông chênh
Cô Phan Thị Tình - giáo viên Trường Tiểu học số 2 Duy Vinh, người đã 26 năm ngược xuôi trên chiếc xe đạp gắn bó với học trò nơi đảo nghèo này - bộc bạch: “Học sinh Đông Bình rất hiếu học. Nhiều em học khá, giỏi nhưng phần vì gia đình nghèo khó, phần do sông nước cách trở nên phải nghỉ sớm, dang dở ước mơ”.
Con đường hoàn thành, cô Tình và các giáo viên không giấu được vui mừng vì từ nay, học trò của họ không còn chông chênh trên cầu phao đến lớp hay theo những chuyến đò ngang nguy hiểm mùa mưa lũ. “Mong chính quyền đầu tư thêm để con đường chắc chắn hơn. Cọc tre kè đường yếu ớt thế kia, chỉ sợ nước lũ cuốn mất” - cô Tình lo lắng.
Bình luận (0)