Sau 2 vụ tai nạn liên tiếp do xe thô sơ chở tôn gây ra ở Hà Nội, ngày 26-9, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận được nhiều hình ảnh xe chở hàng cồng kềnh ở TP HCM vẫn vô tư lưu thông trên đường phố đông người, bất chấp những nguy cơ gây họa cho người đi đường.
Xe đi đến đâu, người dạt ra đến đó
Chỉ khoảng 30 phút quan sát tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lê Văn Việt (quận 9), chúng tôi ghi nhận hàng chục xe ba gác, xe tự chế ghé vào chở hàng hóa. Những xe ba gác chất đầy giàn giáo xây dựng được neo buộc bằng vài sợi vải dù mỏng manh, thậm chí chỉ xếp chồng lên nhau cao 4-5 m. Nhiều xe khác chở tôn, cọc sắt, thanh thép dài gần 10 m chắn ngang cả con đường. Có người dùng vải dù bọc các phần sắt, thép nhọn nhưng cũng có không ít người mặc kệ các mũi thép nhọn, góc tôn sắc bén, thản nhiên luồn lách qua các phương tiện giao thông khác. Mỗi khi những chiếc xe này rẽ qua hướng khác lại choán hết cả giao lộ, đã vậy có tài xế không buồn chú ý khiến phần đuôi hàng hóa va quệt trúng người đi đường.
Còn trên đường Lê Văn Khương (phường Hiệp Thành, quận 12), một chiếc xe ba gác chở 2 bó tôn dài gần chục mét lưu thông về hướng huyện Hóc Môn. Xe này đi đến đâu, người đi xe máy dạt ra đến đó, nhiều người tấp vội vào lề để tránh 2 bó tôn dài như lao thẳng về phía mình.
Gần giao lộ Phan Văn Trị - Trần Thị Nghĩ (phường 7, quận Gò Vấp), một người đàn ông điều khiển chiếc xe ba gác chở cuộn tôn dài hàng chục mét chỉ được ràng buộc sơ sài, 2 đầu buộc túi ni-lông lặc lè di chuyển theo hướng ra đường Phạm Văn Đồng, nhiều phương tiện đang lưu thông cũng phải né vì sợ bị va trúng.
Không chỉ xe thô sơ, cả xe tải, xe container cũng chở hàng quá tải chạy ào ào trên đường, ai sợ thì… cứ việc tránh. Ngay trên đường Đồng Văn Cống (quận 2), chúng tôi chứng kiến một chiếc xe đầu kéo chở 10 cuộn thép buộc và chỉ dùng một thanh gỗ nhỏ kê phía dưới để chống lăn. Tài xế cho xe chạy với tốc độ nhanh khiến các cuộn thép phía sau như chực tuột xuống đường mỗi khi xe lên dốc hoặc dồn lên phía trước khi thắng gấp. Trên xa lộ Hà Nội (quận 9), không ít xe đầu kéo chở các loại tôn tấm, ống thép,… dài quá rơ-moóc, nhô hẳn ra phía sau.
Vì miếng cơm manh áo nên… liều
Theo tìm hiểu, đa số các xe ba gác máy, xe thô sơ tự chế đều được sử dụng để chở thuê các loại hàng hóa, chuyển nhà, vật liệu xây dựng... Để rút ngắn số lần vận chuyển, chủ xe thường chất hàng hóa lên thùng vượt quá quy định, chở cồng kềnh. Dù TP có quy định các xe tự chế, lắp ráp sai quy định khi tham gia giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện nhưng do loại xe này có mức giá thấp, lại thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa nên nhiều người vẫn mua để mưu sinh.
“Tiền công mỗi chuyến hàng chở bằng xe ba gác từ 100.000- 300.000 đồng tùy theo khối lượng, kích thước hàng hóa, độ xa gần. Nếu mình chạy đúng kích thước, khối lượng thì tiền công chẳng còn được bao nhiêu mà cũng chẳng có ai thuê chở. Vì vậy, dù biết là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo đành liều, chạy riết cũng quen nên không còn sợ nữa” - ông Nguyễn Văn Tuấn, tài xế xe ba gác, cho biết.
Một chủ xe ba gác khác sau khi chở vật liệu công trình như sắt, thép, tôn, ống nước tập kết về một bãi đất trống bên đường trên Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) đã trầm ngâm chia sẻ: “Chở cồng kềnh khó quan sát, nguy hiểm lắm chớ, lại có thể bị CSGT xử phạt nhưng khách yêu cầu thì phải chở, tìm các con đường không có chốt trạm để né. Bó tôn dài 10 m chở được đến nơi toát mồ hôi, mệt đứt hơi nhưng không thể cắt làm đôi cho dễ chở được. Với lại, mình sống bằng nghề chở thuê, nếu không chở thì chủ vựa vật liệu xây dựng thuê người khác, vợ con mình lấy gì mà ăn?”.
Trong khi người chở thuê chấp nhận liều vì miếng cơm manh áo thì người đi đường lại lo sợ đến thót tim. “Ngày nào chở con đi học hay đón về nhà, tôi đều bắt gặp các xe máy cũ, xe ba gác chở tôn, thép, cọc sắt nhọn đi phăng phăng giữa đường. Ở những khu vực đông người, họ cũng cố gắng luồn lách, chen chúc để đi qua. Mỗi lần thấy mấy xe này từ xa là tôi lo tấp vào lề chờ họ đi rồi mới dám chạy tiếp” - chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc.
Còn theo anh Lê Văn Hải (tài xế xe container), khi xe chở hàng có khối lượng lớn, tài xế rất khó điều khiển và quan sát, đặc biệt ở những khúc cua hoặc khi xe leo dốc, đổ dốc do các khối hàng rung lắc, tạo lực mạnh khi va đập vào nhau nên nếu chỉ ràng buộc sơ sài thì rất dễ rơi xuống đường.
Siết chặt quản lý
Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình vừa gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh. Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)