Miền Tây sông rạch dọc ngang. Dân miền Tây hầu như ai cũng rất yêu sông nước. Riêng tôi, mỗi lần về quê buổi trưa hay ra bến sông ngồi. Lúc này ít xuồng ghe qua lại, sông như được nghỉ ngơi, nước trong xanh in bóng mây trời, bóng cây ven bờ. Tôi như quên xung quanh, ngồi ngắm sông trưa hè vắng vẻ, tai lắng nghe chim hót và đâu đó hiu hắt tiếng gà gáy trưa. Sông cũng vậy, cũng quên mình như không biết mình là ai, chỉ biết trôi chảy góp nước cùng các con sông khác để hướng ra biển cả.
Kỷ niệm với con sông đã tạo ra phần nào tính cách, thói quen hay hoặc dở, vui hay buồn của tôi. Có những việc như chỉ riêng tôi biết, cảm nhận đó là gì. Thí dụ, quê tôi trước đây sông nước còn trong lành, hầu như ai cũng thích uống nước lã hơn là uống nước chín nấu sôi lạt lẽo. Có nhiều nhà còn lấy trái bí đao bỏ vô lu nước đậy nắp lại chờ khoảng hai tháng. Trái bí đao từ nở sình lên bốc ra mùi khó chịu rồi tan ra thành nước, trở thành thứ nước trong mát dành cho mùa hè. Buổi trưa nóng bức giở lu nước lấy cái gáo dừa múc một gáo uống vô đến đâu nghe mát cơ thể đến đó.
Thói quen uống nước lạnh lúc nhỏ thành ra tật xấu mà nó có xấu? Sau này đi tới nhà ai chơi bắt gặp lu nước uống sạch sẽ, nhất là một lu nước mưa, tôi vui như được gặp lại người bạn cũ, lập tức tôi xin một ly uống, rồi ngồi chơi lâu hơn và sau đó thế nào tôi cũng nhớ trở lại thăm. Thí dụ, đám con nít đứa nào cũng mê tắm sông, chơi trò cút bắt. Những buổi trưa hè, nước sông lớn rong đầy trong sè như gọi mời, người lớn có ngăn cấm nhưng bọn trẻ cũng tìm đủ mọi cách rủ nhau xuống sông. Riêng tôi, có một thói quen chẳng giống ai. Lúc tắm sông bao giờ cũng lội ra giữa dòng lặn xuống hụp sâu làm một ngụm nước mát mẻ. Tôi không cắt nghĩa được hành động của mình, có thể học được từ người lớn, uống một ngụm nước lạnh để được tắm lâu hàng giờ. Đi đâu mà thấy sông nước, lập tức tôi nghe thân thể ngứa ngáy như con cá nhớ nước. Lát sau, thế nào tôi cũng cởi áo nhảy xuống tắm. Mặc dù biết con sông xa lạ kia nước trôi chảy chẳng phải là nước sông ngày nào và đâu là môi trường thiên nhiên trong lành.
Ra Huế, đang ngồi uống rượu, tự nhiên tôi bỏ đi, bạn bè không biết tôi đi đâu. Hóa ra tôi lang thang ra bờ sông Hương ngồi ở một bến vắng ngắm sông rồi cởi áo lội ra giữa dòng, lặn xuống làm một ngụm nước. Cũng như vậy, ra miền Bắc, tôi uống nước sông Hồng, sông Đáy rồi sông Lô cùng nhiều con sông khác. Khi đi thăm miền Tây Bắc, đoàn tham quan gồm có ba mươi người, mỗi người mang theo kỷ niệm về vùng đất này, riêng tôi nhớ mãi cảm giác hương vị núi rừng qua nước sông Đà. Người ta nói do phong thổ, nước uống mà từng miền đất có giọng nói khác nhau, tôi ngậm miếng nước của con sông trong miệng để nghiệm, rồi tôi cười một mình. Nói là nước ngọt để phân biệt với nước phèn, nước mặn, thật ra nước không có mùi vị gì hết, nước lạt nhách.
Vậy mà khi uống, lại có cảm giác trong mát để rồi người ta cần đến nước mát hơn là uống nước cam ngọt. Nước không có mùi vị nhưng sự thú vị của nước như dành cho những ai yêu nó phân biệt được đâu là nước tinh khiết, nước mưa, nước suối, nước sông, nước ao, nước giếng. Một vài trường hợp đặt biệt. Ấy là giếng nước vùng đồi núi Thất Sơn đục như nước cơm vo. Ban đầu, đến vùng đất này, tôi không dám uống nhưng thấy dân địa phương thản nhiên đưa gàu nước lên miệng uống ừng ực, tôi uống theo, mới biết nước cơm vo kia ngon ơi là ngon. Cũng như vậy, giữa rừng U Minh lá tràm rụng quanh năm khiến màu nước đỏ như cốt nước trầu, thấy bắt gớm nhưng đây lại là thứ nước ngọt, lành, lá tràm còn mang vài vị thuốc.
Tôi cũng đã từng uống nước sông Dương Tử của Trung Quốc, uống nước Biển Hồ của Campuchia và ở Pailin nằm sát biên giới Thái Lan đồi núi trùng điệp với mỏ kim cương, trên bản đồ thế giới nó là ổ dịch sốt rét. Xung quanh bộ đội mười người mắc bệnh hết tám, đến độ tóc rụng, đầu trọc lóc. Để phòng bệnh, ai đến đây cũng phải uống nước chín. Nhưng đến đây, tôi thấy giữa núi rừng con suối nước trong thấy tận đáy đá sỏi, cá lội. Không cầm lòng được, lúc xuống suối tắm, tôi uống đầy bụng nước nhưng vẫn miễn nhiễm với bệnh!
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi yêu nước chỉ vì đặc tính của nước là hòa tan mọi thứ và trôi chảy, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, cho đường thì nước trở nên ngọt, cho muối thì nước mặn. Bao nhiêu thứ con người cứ ném ra sông, chừng nào nó không hòa tan được để con sông chết, để tôi không uống được, việc này chẳng ai biết trước. Việc trước mắt chúng ta có bổn phận là giữ sao cho những dòng sông còn độ trong lành. Người bưng ly nước uống chỉ vì thói quen chớ kỳ thực ít ai để ý mùi lạt lẽo của nước đó là mùi vị chính để làm nổi bật những mùi vị khác. Một người đầu bếp giỏi về nghệ thuật nấu ăn bao giờ cũng bỏ gia vị vừa phải, nhất là khi nấu một nồi xúp, nồi canh. Tưởng đâu cái mùi xương thịt hầm là mùi chính, thật ra là mùi nước trong, nhẹ nhàng mới là mùi vị chính để cho tô xúp, tô canh trở nên tinh tế, ngon hơn. Vật nào cũng có phần thô phù và tinh tế nằm bên trong nó. Tìm ra phần tinh tế nhẹ nhàng trong mỗi vật là đã thấy được đạo mầu nhiệm.
Bình luận (0)