Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TP có khoảng 70 điểm lấn chiếm sông, rạch có chức năng giao thông thủy; 39 tuyến kênh, rạch có chức năng thoát nước bị lấn chiếm; gần 400 điểm, đoạn sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, san lấp trái phép… Thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê trên.
Còn đâu nữa mà kiếm?
Theo bài viết "Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa" của TS Nguyễn Thị Hậu, xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định - Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo - Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh - rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Sài Gòn cũ - nay là Chợ Lớn: một vùng thấp trũng chằng chịt kênh rạch lớn nhỏ, mọi sự đi lại đều dùng ghe xuồng. Kênh Ruột Ngựa và rạch Lò Gốm còn nối liền rạch Chợ Lớn với rạch Cát (Sa Giang) và rạch Bến Nghé. Từ ngã ba "Nhà Bè nước chảy chia hai", xuồng ghe theo rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ qua kênh Ruột Ngựa ra sông Cát về miền Tây.
Ngày 14-7, chúng tôi trở lại xóm Lò Gốm (quận 8). Không còn ghe thuyền hoạt động nhộn nhịp như xưa, chỉ mỗi gia đình ông Trần Văn Tiếp (Năm Tiếp) còn vận chuyển nguồn nguyên liệu đất sét từ miền Tây lên nhưng khá chật vật. Khó khăn lớn nhất chính là kênh Ruột Ngựa (quận 8) không còn thẳng như tên gọi do bị bồi lấp, lấn chiếm hai bên bờ, nước đen ngòm, chỉ cần lấy cây sào chống xuống hơn 30 cm đã chạm mặt bùn đất. Hai bên kênh, những căn nhà lấn chiếm ra giữa mặt kênh từ nhiều năm trước, đến nay vẫn chưa được giải tỏa. "Hai chiếc thuyền gỗ của gia đình tôi phải neo đậu ở bãi đất cạn, kế con kênh suốt một năm qua. Không thể giao thương được bằng đường thủy" - ông Tiếp than thở.
Đến khu Đồng Diều (phường 4, quận 8), chúng tôi hỏi con rạch Bà Đen (tên gọi của người dân địa phương, bắt đầu từ đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, chảy ra rạch Sông Xáng là tuyến rạch tiêu thoát nước, chống ngập quan trọng cho khu vực Đồng Diều) nhưng không ai biết. Ngay cả việc tìm kiếm trên các bản đồ vệ tinh vẫn không có cách nào tìm ra. Chỉ khi hỏi những bậc cao niên ở đây thì mới được chỉ chính xác. "Còn đâu nữa mà kiếm? Con rạch năm nào giờ bị lấn chiếm làm kho hàng, nhà dân… nên mưa xuống khu vực này ngập lênh láng..." - ông Tứ (72 tuổi, ngụ đường Cao Lỗ) bức xúc.
Dọc tuyến rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), tình trạng cơi nới, lấn chiếm lòng kênh đang khá nhức nhốiẢnh: GIA MINH
Gia súc lội bộ trên rạch
Nửa thế kỷ gắn với sông, rạch ở TP HCM, ông Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc), liên tục thở dài khi nhắc đến tình trạng "bức tử" kênh, rạch. Ông kể hơn 20 năm trước, rạch Lăng (quận Bình Thạnh) có những loài cá chỉ khu này có nhưng giờ đây không loài nào sinh sống được bởi nạn lấn chiếm rạch và xả thải. Đứng phía trên nhìn xuống, khó có thể thấy được nước ở dưới rạch mà toàn là bèo và rác. Chiếc ghe nhỏ xíu của ông không thể nào chèo vào sâu bên trong rạch. "Rạch bây giờ gà, vịt, thậm chí chó cũng có thể đi lại trên bề mặt được" - ông Ba Chúc nói vui.
Tại khu vực rạch Xuyên Tâm (nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thuộc 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp) nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân khốn khổ vì phải ăn ngủ, sinh hoạt bên dòng kênh hôi thối, tràn ngập rác thải. Vào mùa mưa, nước tràn lên tận nhà; mùa nắng nóng, mùi hôi tanh bốc lên. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến rạch này bị các hộ dân cơi nới, lấn chiếm với đủ loại vật liệu. Dọc bờ rạch Xuyên Tâm rác thải trôi nổi khắp bề mặt rạch, nằm dưới sàn những ngôi nhà hai bên rạch.
Cách đó không xa, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) cũng trong tình trạng bị "bức tử". Từ đường Điện Biên Phủ nhìn vào tuyến rạch có thể thấy nhiều căn nhà xây dựng tạm bợ, lấn hẳn xuống lòng kênh. Phía dưới, nước kênh đen đặc, bốc mùi hôi nồng nặc, dày đặc các đám lục bình.
Tương tự, tại tuyến kênh A41- một trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), cũng đang báo động về tình trạng lấn chiếm, xả rác gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy. Ngoài kênh A41 còn 3 kênh khác gồm Hy Vọng, Tân Trụ và mương Nhật Bản (nhánh 2 - hệ thống kênh rạch này phục vụ cho việc tiêu thoát nước) cũng bị lấn chiếm, xả rác khiến nguy cơ ngập úng rất đáng lo ngại.
Tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, thoát nước cũng diễn ra khá phổ biến ở các địa phương khác như quận 2, quận 7, quận 12, quận Bình Tân… Thậm chí, tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà còn được cấp phép tạm thời lấp rạch phụ Lò Đường để thi công dự án Sông Đà Riverside làm thay đổi chức năng tiêu thoát nước của kênh rạch tự nhiên, gây ngập nước nặng nề cho khu dân cư lân cận.
Chống ngập được giao về Sở Xây dựng
UBND TP HCM vừa giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Chương trình hành động giảm ngập nước, đồng thời thay mặt UBND TP HCM làm chủ sở hữu hệ thống thoát nước trên toàn địa bàn; tổ chức tiếp nhận, bàn giao đại diện chủ sở hữu hệ thống thoát nước để vận hành bảo đảm hệ thống hoạt động xuyên suốt.
Thông thoát kênh, rạch là giải pháp bền vững
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết tại TP HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian tới sẽ đối mặt hiện tượng thời tiết cực đoan. Lo lắng lớn nhất là mưa lớn, kết hợp triều cường, bão... gây xáo trộn cuộc sống người dân. Minh chứng vào cuối tháng 9-2016, TP HCM từng đối mặt cơn mưa và trận ngập đáng ghi vào lịch sử. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền để người dân thích nghi tốt với sự thay đổi thời tiết thì việc bảo đảm thông thoát kênh, rạch, sông là giải pháp lâu dài bền vững.
Bình luận (0)