Từ năm 2010, sân vận động Chi Lăng được lãnh đạo TP Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT) để xây dựng "Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng". Thay vì triển khai dự án, toàn bộ khu vực Chi Lăng gồm các khu nhà thương mại xung quanh các đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Triệu Nữ Vương nối dài, sân vận động và các công trình liên quan lại được chia thành 14 lô và đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.
Trong 2 năm 2013 và 2014, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được thế chấp để vay vốn ngân hàng. Ngày 29-7-2014, Phạm Công Danh cùng một số lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị khởi tố, bắt tạm giam. Năm 2016 và 2017, Phạm Công Danh và các bị cáo được đưa ra xét xử. Nhiều tài sản là bất động sản được yêu cầu kê biên, bảo đảm thi hành án, trong đó có dự án sân vận động Chi Lăng.
Ngày 26-4-2018, Cục Thi hành án dân sự TP HCM ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thi hành bản án của Phạm Công Danh và đồng phạm, xử lý tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, việc thi hành án đối với sân vận động này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý.
Đến cuối năm 2018, "Xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân thành phố, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền TP Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án...". Dự án khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng có 100 hồ sơ, đến tháng 4-2022, UBND quận Hải Châu đã bàn giao cho Cục Thi hành án TP Đà Nẵng 82/100 hồ sơ. Trong quá trình bàn giao, nhiều hộ dân tiếp tục tháo dỡ, thu hồi tài sản của mình.
Như vậy, 100 ngôi nhà trên đường Lê Duẩn, Ngô Gia Tự, Hùng Vương và các khu vực liên quan đã và đang được tháo dỡ để phục vụ công tác thi hành án. Chưa rõ việc thi hành bản án và đề nghị "chuộc lại" sân vận động Chi Lăng của chính quyền TP Đà Nẵng sắp tới sẽ theo hướng nào (vì còn tùy vào thỏa thuận của các bên liên quan cũng như những yếu tố pháp lý về thời hạn sử dụng đất, thu hồi sổ hồng theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ) nhưng rõ ràng sân vận động Chi Lăng gắn liền với danh xưng một di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố và các sự kiện thể dục thể thao, tình cảm của 1 triệu dân địa phương hiện nay như một phế tích buồn!
Người dân mong muốn Chính phủ và các cấp sớm đồng ý trả lại sân Chi Lăng theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, nếu không thể phục hồi sân thể thao liên hợp như cũ thì nên biến thành công viên văn hóa, gắn lại bảng di tích lịch sử ở đây, vì trung tâm Đà Nẵng rất thiếu cây xanh lẫn nơi vui chơi.
Bình luận (0)