Sau bài Khen thưởng lại về tay quan chức đăng trên Báo Người Lao Động, rất nhiều bạn đọc bức xúc góp ý về vấn đề này. Hầu hết cho rằng công tác thi đua, khen thưởng hiện nay chỉ thiên về hình thức mà thiếu thực chất. Đáng ngại hơn, đây là nơi để một số cán bộ thiếu năng lực chia chác thành tích, quyền lợi.
Bạn đọc Nguyễn Cao Sơn nói thẳng: Trong cơ quan nhà nước, mỗi khi họp kiểm điểm, bình xét cuối năm hiếm có cấp dưới nào dám nói thật về cấp trên của mình dù sau lưng họ luôn phàn nàn, phê phán... Lãnh đạo thường nương tay cho cấp dưới để cơ quan đạt thành tích cao trong thi đua, dù có tệ thế nào, dân có phiền với cán bộ, với cung cách phục vụ ra sao thì cuối năm họ vẫn là chiến sĩ thi đua... “Hãy đánh giá năng lực cán bộ bằng việc lập trang web của từng cơ quan để người dân, doanh nghiệp nhận xét sẽ thấy rõ cung cách và năng lực làm việc của từng đơn vị” - bạn đọc Nguyễn Cao Sơn kiến nghị.
Sự bất hợp lý trong công tác thi đua, khen thưởng đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn không có cơ quan nào muốn thay đổi. Từ lâu lắm rồi nhân viên, công nhân, người lao động trực tiếp có sáng kiến, cống hiến, làm việc nhiều nhưng hưởng lợi, thành tích lại là cán bộ có chức quyền. Nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước xem thành tích của đơn vị là của mình, sự đóng góp của người lao động là công trạng của bản thân nên khi bình bầu thi đua thường vơ về mình các danh hiệu. Điều này làm nản lòng những người lao động khác và họ sẽ chẳng bao giờ nỗ lực để cống hiến sức lực, trí tuệ cho đơn vị.
Sự yếu kém của công tác khen thưởng được bạn đọc Trần Thanh nêu rõ khi so sánh giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp dân doanh. Các doanh nghiệp dân doanh bỏ tiền túi ra để khen thưởng nên rất khắt khe, công bằng và đúng đối tượng. Dù là công nhân hay bảo vệ, ai có thành tích tốt sẽ được khen thưởng kịp thời. Nếu nhân viên cấp cao, lãnh đạo tranh giành thành tích của người khác sẽ bị đồng nghiệp coi thường, bị kỷ luật, thậm chí mất việc.
“Ở doanh nghiệp nước ngoài, việc giành thành tích bị xem là hành vi lừa dối và mức kỷ luật rất nặng. Nếu một lãnh đạo bị kỷ luật về hành vi này thì khi sang các doanh nghiệp khác cũng không được trọng dụng” - bạn đọc Hùng Trân nói.
Bình luận (0)