Những ngày cuối năm 2021 đầu năm 2022, 3 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình đã liên tiếp xảy ra khiến lòng người căm phẫn xen lẫn hoang mang.
Ngoài sự tưởng tượng
Đến bây giờ, vụ bé gái 8 tuổi ở TP HCM bị "dì ghẻ" và cha ruột bạo hành vẫn là nỗi đau không thể nào nguôi với người thân của cháu và cả những người xa lạ có lương tri.
Theo diễn tiến điều tra, trước khi tử vong, bé V.A bị "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập, hành hạ dã man khoảng 4 giờ dẫn đến kiệt sức, ngất đi.
Đáng nói là Trang đã nhiều lần dùng roi mây, cây đánh bé V.A, gây thương tích ở một số vùng nguy hiểm trên cơ thể.
Trong khi đó, cha bé V.A (Nguyễn Kim Trung Thái, nhân viên một công ty kinh doanh bất động sản ở quận 1, TP HCM) nhiều lần chứng kiến bé V.A bị hành hạ vẫn không can ngăn, vài lần còn dùng cây đánh con.
Thậm chí, trong khi bé V.A cấp cứu ở bệnh viện, Thái còn vào ứng dụng điện thoại kết nối camera trong nhà, xóa bỏ dữ liệu.
Nguyễn Trung Huyên tại cơ quan điều tra Ảnh: TRỌNG PHÚ
Dư luận còn chưa nguôi ngoai vụ của bé V.A thì tháng 1-2022, một vụ bạo hành dã man ngoài sự tưởng tượng, gây sốc cho nhiều người lại xảy ra với cháu bé có tên N.A (3 tuổi, ngụ Hà Nội).
N.A bị 9 cây đinh găm vào đầu, hiện vẫn hôn mê. Trước đó, bé N.A từng nhập viện 3 lần do ngộ độc thuốc trừ sâu, có dị vật đường tiêu hóa và bị gãy tay.
Nghi phạm gây ra những nỗi đau đớn này cho N.A là Nguyễn Trung Huyên (làm nghề thợ mộc), người tình của mẹ bé.
Trong khi đó, tối 18-1, Tống Thị Tùng Linh, 21 tuổi, là sinh viên một trường đại học (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đã dùng xyanua đầu độc chết cha ruột, sau đó mua xi-măng về xây bịt kín thi thể, đốt nhà để tạo hiện trường giả.
Theo lời khai của Linh, người cha ruột thường xuyên chửi mắng, đối xử không tốt với mẹ và cô ta. Chịu không nổi, mẹ Linh đã bỏ sang nhà người thân ở, còn cô ta ở với cha. Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa hai cha con càng nghiêm trọng, thường xuyên cãi nhau. Mâu thuẫn kéo dài khiến Linh nảy sinh ý định giết cha.
Nhanh chóng tìm lời giải và giải pháp
Nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực gia đình diễn ra với tần suất gia tăng và mức độ ngày càng dã man là câu hỏi đang cần lời giải cũng như giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.
Không khó để nhận ra xã hội ngày nay phát triển đa chiều, phức tạp dẫn đến tâm lý nhiều người cũng thay đổi, tình cảm và các mối quan hệ gia đình cũng bị biến dạng khiến bạo lực gia đình gia tăng.
Ba vụ án điển hình trên cho thấy bạo lực gia đình nằm trong tất cả mọi thành phần xã hội. Điểm chung ở cả 3 vụ này là gia đình tan vỡ, không hạnh phúc khiến trẻ phải hứng chịu sự ghét bỏ, chà đạp, hành hạ nhẫn tâm, thậm chí tàn ác của người lớn (như bé V.A, N.A); hoặc bị ức chế một thời gian dài dẫn đến kích động, nổi loạn khi gặp phải tình huống xung đột rồi hành xử theo quán tính (như Tùng Linh).
Bạo lực gia đình là hành vi độc ác nhất, cũng là nỗi đau lớn nhất, khó nguôi ngoai nhất, bởi kẻ gây án chính là người thân, sống cùng nhà với nạn nhân. Cũng vì vậy, dù đương nhiên phải có những chế tài nghiêm khắc, hình phạt nặng nề cho kẻ phạm tội thì cũng chưa thể ngăn chặn triệt để tội ác nói chung và bạo lực gia đình nói riêng.
Cũng rất khó có thể giải quyết triệt để nạn bạo lực gia đình khi vẫn còn kiểu nhận thức chuyện trong nhà "đóng cửa bảo nhau"; còn thái độ thờ ơ, vô cảm trước những tiếng khóc, những ánh mắt đau buồn, những biểu hiện khác lạ trên thân thể của những đứa trẻ…
Và cũng khó phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời nếu các cơ quan, tổ chức liên quan, chính quyền địa phương… thiếu sự quan tâm đúng mức, chưa nhận rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình để nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt xử lý dù chỉ mới là những mầm mống bạo lực.
Mời tham gia diễn đàn
Những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện phòng chống bạo lực gia đình. Thế nhưng, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Gần đây, những vụ người trong gia đình bạo hành trẻ em một cách tàn ác liên tiếp xảy ra, đang cần lời giải cho vấn nạn này cũng như giải pháp cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn về giải pháp xóa bỏ hiệu quả bạo lực gia đình, đặc biệt là nạn bạo hành trẻ em. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)