Cuối tuần qua, TP HCM đã tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước". Mục đích của hoạt động này là nhằm từng bước chuyển biến về nhận thức, hành động từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng không xả rác nơi công cộng, kênh, rạch, cống thoát nước, hố ga, cửa cống để khắc phục ô nhiễm về rác và tình trạng ngập nước.
Rác thải nhiều do ý thức kém
Đây không phải lần đầu TP ra quân vận động người dân bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi. Những năm qua, TP đã và đang thực hiện nhiều chương trình nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường diễn ra khá thường xuyên với băng rôn, áp phích khắp nơi. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường cũng được TP yêu cầu, chỉ đạo xuyên suốt. Báo chí thường xuyên có bài viết và hình ảnh sinh động để phê phán hành vi xả rác…
Thế nhưng, tình trạng xả rác nơi công cộng trên địa bàn TP vẫn không giảm, thậm chí có xu hướng tăng. Nhiều người vẫn tiện tay ném rác ở mọi lúc, mọi nơi. Công nhân vệ sinh dọn dẹp xong một bãi rác tự phát thì vài hôm sau, một bãi rác khác sẽ xuất hiện cách chỗ cũ không xa. Hễ bước chân ra đường là thấy rác thải, từ vỉa hè, trạm chờ xe buýt, mặt và chân cầu đến công viên, kênh rạch…, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp túi ni-lông, hộp nhựa, vỏ chai... Đặc biệt, ở các quán cóc, không chỉ xả rác bừa bãi ra môi trường mà nước thải của hoạt động rửa chén, thức ăn thừa cũng được đổ thẳng vào cống thoát nước của khu vực.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng xả rác không đúng quy định là do ý thức của một bộ phận người dân kém, vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi. Dù ai cũng muốn sống trong môi trường trong sạch nhưng nhiều người trong số đó vẫn sẵn sàng ném rác ra đường, miễn sao tiện cho mình. Cũng có rất nhiều người chứng kiến cảnh trái tai gai mắt nhưng nhắm mắt cho qua, không nhắc nhở vì không phải chuyện của mình hoặc ngại bị… mắng. Không ít cán bộ xem việc vứt rác lung tung là… chuyện nhỏ, không cần phải mất thời gian để tâm vào.
Hễ bước chân ra đường là thấy rác Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đồng bộ nhiều biện pháp mạnh
Làm gì để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường? Câu trả lời đầu tiên vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được hành vi xâm hại môi trường đang gây hậu quả nặng nề cho cộng đồng và chính bản thân họ. Tuy nhiên, ý thức được hình thành thông qua nhiều tác động, ngoài giáo dục, tuyên truyền, vận động, quan trọng nhất vẫn là sự răn đe, chế tài của pháp luật, sự lên án của xã hội và những chính sách của chính quyền để thực thi vấn đề này.
Quy định xử phạt hành vi vi phạm trong bảo vệ môi trường đã có, mức phạt cũng khá nặng, có thể đủ sức để răn đe những người thiếu ý thức nhưng thực tế có bao nhiêu người bị xử phạt vì hành vi xả rác trong khi rác thải có mặt khắp nơi? Lực lượng cảnh sát môi trường, cán bộ quản lý đô thị các phường, quận không thiếu nhưng vì sao khó xử phạt cá nhân vi phạm? Thùng rác công cộng cũng đã được trang bị nhưng liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu và thực sự sạch để người dân không ngại đụng vào? Thời gian thu gom rác đã hợp lý, xe chở rác có được thường xuyên rửa sạch, điểm tập kết rác có bảo đảm vệ sinh…?
Chỉ khi chính quyền làm đồng bộ, nhịp nhàng, quyết liệt các biện pháp về giáo dục, tuyên truyền, chính sách thực thi cũng như chế tài pháp luật, lúc đó ý thức của người dân mới dần nâng lên, TP mới có thể xanh, sạch, đẹp.
Mức giá thu gom, vận chuyển rác mới
Ngày 22-10, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 38 quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối tượng, phạm vi áp dụng Quyết định 38 là cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt (chất thải rắn sinh hoạt); cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.
Theo đó, từ ngày 1-11, giá dịch vụ thu gom tại nguồn bằng phương pháp thủ công là 364 đồng/kg; bằng phương tiện cơ giới: 166 đồng/kg.
Riêng đối với giá dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sẽ thực hiện theo lộ trình. Giai đoạn năm 2018-2019, giá vận chuyển là 40 đồng/kg, năm 2020 là 133,5 đồng/kg, năm 2021 là 227 đồng/kg, từ năm 2022 trở đi là 247 đồng/kg. Cũng từ năm 2022 sẽ áp dụng mức giá 475 đồng/kg đối với dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
UBND TP yêu cầu UBND quận - huyện căn cứ vào mức giá tối đa nêu trên để xây dựng mức giá chi tiết áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý.
Ph.Anh
Bình luận (0)