Ngày 27-6, ngôi biệt thự cổ tại 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) ngổn ngang gạch, gỗ; các bức tường loang lổ, hư hỏng… Nhiều nhân công ngồi tản mát quanh công trình sau quyết định tạm đình chỉ tháo dỡ.
Sống trong sợ hãi
Trò chuyện với chúng tôi, người nhà căn biệt thự 237 Nơ Trang Long thở dài: “Tháo dỡ căn biệt thự, người ngoài tiếc một, chúng tôi tiếc gấp mười lần nhưng có sống ở đây mới hiểu nỗi khổ của chúng tôi... Đã nhiều lần chúng tôi lên phường, quận xin giấy phép để trùng tu lại nhưng lần nào cũng nghe trả lời đợi thủ tục vì đây là biệt thự cổ, muốn tu sửa phải có ý kiến của TP. Chúng tôi đau đầu lắm, nhà mình mua nay đã xuống cấp trầm trọng mà không được sửa. Mùa mưa đang đến, tiếp tục ở như vậy có ngày bỏ mạng…”.
Theo tính toán của những người sống trong căn biệt thự, muốn sửa đơn giản cũng phải thuê thợ lành nghề, mua vật liệu đồng nhất, giá mỗi viên gạch 150.000 đồng, sơ sơ cũng tốn bạc tỉ. Thế nhưng, từ khi mua nhà (năm 1990) đến nay chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền.
Sau thông tin tháo dỡ căn biệt thự 237 Nơ Trang Long, bà Ngô Thanh Hiền, chủ căn biệt thự 138 Châu Văn Liêm (quận 5), phản ánh với Báo Người Lao Động hiện gia đình bà phải dời qua nơi khác sinh sống vì nhà đã xuống cấp nhưng không được tu sửa. “Xin giấy phép rất phức tạp, tiền tu sửa rất cao. Giờ căn biệt thự xuống cấp bỏ hoang cho người dân làm bãi giữ xe, buôn bán chè” - bà Hiền nói.
Còn bà Dương Thị Kim, chủ căn biệt thự 20 Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp), thì bức xúc vì nhiều lần liên hệ cơ quan chức năng để sửa nhà nhưng không được. “Nếu chính quyền muốn bảo tồn biệt thự cổ thì nên hỗ trợ, tạo điều kiện để chúng tôi trùng tu hoặc mua lại để chúng tôi đi nơi khác chứ cứ dùng dằng như vậy, chúng tôi phải sống sao đây?” - bà Kim đặt câu hỏi.
Chưa có tiêu chí phân loại
Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, thống kê của các quận, huyện cho thấy hiện có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ, tập trung ở các quận 1, quận 3. Trong đó, hơn 100 căn biệt thự của Pháp, chủ nhà muốn tháo dỡ hoặc tu sửa phải xin giấy thẩm định từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc
TP HCM và giấy phép của UBND TP. Công tác bảo tồn nhà cổ đang gặp khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực cũng như sự hợp tác của một số chủ sở hữu.
Một cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết Thông tư 38/2009 của Bộ Xây dựng quy định nhà biệt thự được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng bảo tồn (thành lập theo Luật Nhà ở) xác định và lập danh sách để trình UBND TP phê duyệt. Những biệt thự này được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.
Nhóm 2 là biệt thự có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa, không thuộc nhóm 1, cũng do Hội đồng bảo tồn xác định, lập danh sách và do UBND TP phê duyệt. Các biệt thự nhóm này phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, có thể thay đổi cấu trúc bên trong.
Các biệt thự nhóm 3 là biệt thự không thuộc nhóm 1 và nhóm 2 trên. Chủ nhà được xây, sửa theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng hiện hành.
“Dù vậy, hiện TP vẫn chưa có tiêu chí đánh giá và phân loại các biệt thự cũ trên địa bàn TP nên chưa có cơ sở để xem xét, giải quyết cho phép tháo dỡ, cấp phép xây dựng đối với các biệt thự không có giá trị bảo tồn. Đặc biệt, vì chưa có tiêu chí phân loại nên càng không có chính sách hỗ trợ duy tu cho người sở hữu, quản lý những biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 khiến việc bảo tồn rất rối” - vị cán bộ này nói.
Không có khả năng trùng tu
Theo khảo sát riêng của thạc sĩ - Kiến trúc sư Lê Minh Huy, hơn 50% các chủ nhân căn biệt thự đều không có khả năng trùng tu, phần lớn bán cho chủ khác và mua căn nhà mới để sinh sống. Cũng theo ông Huy, các biệt thự cổ ở TP HCM nằm rải rác, nhỏ lẻ, không ở một chỗ nên khó để có thể làm du lịch hoặc biến đổi thành nhà công vụ.
Bình luận (0)