Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao Công an TP điều tra, xử lý nhiều hồ sơ do có dấu hiệu sai phạm trong vụ 1.392 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất bị "ngâm" ở huyện Hóc Môn. Vụ việc bắt đầu từ tháng 11-2017, khi UBND TP HCM chỉ đạo Thanh tra TP thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 7-2016.
Mỗi tháng trả ngân hàng 200 triệu đồng
Nhiều xã tại huyện Hóc Môn có các khu đất nằm trong 1.392 hồ sơ đang bị tạm ngưng giao dịch, không cho xây dựng như xã Đông Thạnh, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Tân Thới Nhì… thường xuyên "nóng" vì đơn khiếu nại của người dân yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc.
Xã Xuân Thới Thượng có gần 200 khu đất thuộc 1.392 hồ sơ, nhiều hộ dân khi được hỏi đã tỏ ra khá bức xúc vì lỡ mua đất thuộc diện này và đang trong tình trạng bị treo quyền lợi.
Năm 2019, do có nhu cầu mở rộng sản xuất, anh Hoàng Đình Hùng (huyện Hóc Môn) đã mua khu đất 1.500 m2 tại ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, trong đó 1.300 m2 đã được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. An tâm vì mọi giao dịch diễn ra suôn sẻ, chưa kể đất đã là đất ở, chỉ cần xin giấy phép xây dựng là ổn, anh Hùng thế chấp giấy tờ đất để vay ngân hàng gần 10 tỉ đồng chuẩn bị xây dựng nhà xưởng. Thế nhưng, khi xin giấy phép xây dựng, hồ sơ của anh bị "ách" lại do khu đất nằm trong 1.392 hồ sơ bị tạm ngừng cấp phép xây dựng của huyện Hóc Môn.
Mở xưởng không được, mỗi tháng phải chạy vạy gần 200 triệu đồng trả lãi và gốc cho ngân hàng, chưa kể dịch Covid-19 làm ăn khó khăn, chịu không nổi, anh Hùng rao bán khu đất trên.
"Thế nhưng, đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, tôi càng bất ngờ khi nhận thông báo khu đất nằm trong diện không được giao dịch, sang tên hay xây dựng. Tôi mua đất có công chứng đàng hoàng, những sai phạm của cán bộ, nếu có, cần sớm được xử lý sớm, tháo gỡ, không thể kéo dài để người dân chịu thiệt như vậy" - anh Hùng bức xúc.
Khu đất 1.500 m2 định xây xưởng sản xuất của gia đình anh Hùng đang bỏ hoang
Càng để lâu, người dân càng thiệt
Vừa tự tay tháo dỡ hơn 500 m2 khu nhà xưởng, chị Nguyễn Mỹ Linh (quận Tân Phú) vừa kể năm 2019, chị mua 2 khu đất liền kề, đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với diện tích khoảng 2.000 m2 tại xã Xuân Thới Thượng để làm kho hàng hóa. Sau khi hoàn tất thủ tục sang nhượng cho khu đất thứ 1, chị Linh làm thủ tục sang tên khu đất thứ 2 thì hồ sơ bị đứng lại do nằm trong những hồ sơ bị tạm ngừng giao dịch của huyện Hóc Môn. Không có kho chứa hàng, hàng hóa để ngoài trời bị hư hỏng, chị Linh đành dựng tạm tôn trên phần đất chưa được sang nhượng và bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ.
"Khu đất ở mặt tiền đường, là khu dân cư nên chúng tôi an tâm mua và xây dựng. Những sai phạm liên quan đất đai của địa phương cần sớm được xử lý, tháo gỡ để người dân được sử dụng đất hợp pháp. Càng kéo dài thời gian xử lý thì càng thiệt cho người dân" - chị Linh đề xuất.
Không có nhu cầu sản xuất nhưng muốn chuyển mục đích sử dụng khu đất khoảng 930 m2 từ đất nông nghiệp lên đất ở để bán, chia vốn cho con cái làm ăn, năm 2019 bà N.T.H (xã Thới Tam Thôn) đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi đóng tiền, không được sang nhượng do khu đất nằm trong 1.392 hồ sơ, bà H. bức xúc gửi đơn đến huyện yêu cầu sớm giải quyết vì vợ chồng bà lớn tuổi, không có khả năng trả lãi ngân hàng.
Tương tự, anh N.T (quận 12) đến xã Xuân Thới Sơn mua khu đất 850 m2 để xây nhà ở và làm kho cho công ty của mình, dù bỏ ra gần 10 tỉ đồng để mua đất nhưng đến nay hơn 1 năm, khu đất phải bỏ hoang do không thể xây dựng.
Đáng lưu ý, do thời gian xảy ra vụ việc cách đây 4-5 năm, nhiều khu đất được mua đi bán lại qua nhiều chủ nên chủ sở hữu hiện tại rất bức xúc, nhiều người kiến nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, cán bộ nào sai thì xử lý nghiêm, tránh kéo dài gây thiệt hại cho người dân.
Phải chờ kết luận điều tra
Trong quá trình thanh tra, khi chọn ngẫu nhiên 100 hồ sơ có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất ở lớn (từ 500 m2 đến 6.658 m2) trong số 1.392 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất để kiểm tra, đoàn thanh tra nhận thấy có đến 89 hồ sơ chưa hợp lệ. Đáng nói, cả 100 hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất không xác định vị trí trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất hằng năm của UBND huyện Hóc Môn được cấp thẩm quyền phê duyệt nên việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là không có cơ sở thực hiện.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết liên quan đến số hồ sơ này, huyện đã có báo cáo gửi lãnh đạo TP và các sở, ngành liên quan nhưng thông tin chính thức vẫn phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra. Do vụ việc kéo dài nên gây bức xúc cho người dân, nhiều hộ gửi đơn khiếu nại đến phòng tiếp dân của huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hóc Môn kiến nghị giải quyết nhưng tất cả đều phải chờ kết luận của TP.
Không chỉ những hộ dân bị treo quyền lợi trong 1.392 hồ sơ tạm ngừng giao dịch của huyện Hóc Môn, hơn 3 năm nay, để tránh "vết xe đổ", tất cả trường hợp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở có diện tích từ 500 m2 trở lên cũng bị tạm ngừng khiến người dân có nhu cầu sử dụng đất thực sự rất bức xúc. Bởi đa số các hộ có nhu cầu tách thửa đất chia cho con lập gia đình hoặc xây
ki-ốt, nhà xưởng để cải thiện kinh tế gia đình...
Bình luận (0)