Cung đường từ nhà tới trường tôi học có 2 tuyến buýt chạy qua (xe 07 và 35) nhưng khi những xe này chạy đến trạm tôi đứng chờ đều đã chật cứng người nên lái xe không dừng đón khách mà bỏ trạm chạy thẳng. Ngay cả khi có dừng để năm ba khách xuống trạm, xe cũng không sao chứa nổi lượng khách đông đúc phía dưới đang nóng lòng muốn lên xe vì sợ trễ giờ. Vì vậy, nhiều bác tài chỉ mở cửa chớp nhoáng để khách xuống rồi lại nhanh chóng đóng sập cửa và... vù chạy cho kịp giờ về bến.
Chính vì xe buýt luôn quá tải vào giờ cao điểm và lái xe thường bỏ trạm nên nhiều hôm tôi phải đứng đợi xe gần cả giờ nhưng vẫn không thể đón được xe để đến trường, lúc may mắn có xe thì lớp học vừa kết thúc tiết thứ nhất.
Theo tôi được biết, chuyện xe buýt bỏ trạm vì quá tải không chỉ diễn ra ở tuyến 07 và 35 mà là thực trạng chung của rất nhiều tuyến xe buýt, nhất là những tuyến chạy từ nội đô ra các huyện ngoại thành, khi mà khoảng cách tuyến xa tới trên 20 km. Bạn tôi ở huyện Sóc Sơn mỗi sáng đón và chuyển qua 2 tuyến xe buýt mới đến được trường, các xe tuyến 15 (Long Biên - Phố Nỉ) và tuyến 34 (Long Biên - Mỹ Đình) lúc nào cũng quá tải, bỏ trạm.
Khách chọn phương tiện xe buýt ngày một đông là dấu hiệu đáng mừng, góp phần giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Thế nhưng, tình trạng quá tải, bỏ chuyến đã làm nản lòng nhiều người. Thiết nghĩ, chính quyền các TP lớn như Hà Nội, TP HCM... cần nhanh chóng đôn đốc, chỉ đạo các công ty, xí nghiệp, HTX vận tải xe buýt của địa phương nghiên cứu, lập sơ đồ lộ trình chạy xe hợp lý, tăng cường đầu xe ở những nơi có lượng khách đông, thu hẹp giờ giãn xe với khoảng cách hẹp nhất có thể trong khung giờ cao điểm... Có thể sẽ vẫn có những chuyến xe vào giờ cao điểm quá tải nhưng tuyệt đối không thể để tình trạng khách chờ tới 5-6 lượt xe cùng tuyến đi qua mà vẫn không lên được xe...
Bình luận (0)