Tôi nhớ lại một chuyện: Thời gian học ở Mỹ, khi tôi chạy chiếc ô tô vừa mua trên đường (xe chưa có biển số vẫn được chạy), xe cảnh sát liền chạy theo hú còi. Tôi tấp xe vô lề đường, mở cửa bước xuống thì nghe loa xe cảnh sát quát: “Vào xe, thắt dây an toàn, đưa 2 tay lên trước vô lăng…”. Viên cảnh sát tay đặt lên súng, tay rọi đèn pin thẳng vào mặt tôi, hét to: “Tại sao anh bước xuống xe khi chưa có yêu cầu?”.
Sợ cảnh sát vì sợ luật pháp
May là trên xe có logo của trường học, tôi trình bày là sinh viên quốc tế, mới mua xe rồi trình giấy tờ xe đang chờ cấp biển số. Nghe vậy, một anh cảnh sát khác tươi cười bắt tay và nói: “Anh cẩn thận, lái xe buổi tối đường này khá nguy hiểm” và không quên dặn: “Khi chúng tôi chặn xe lại, phải ngồi yên và đặt 2 tay lên vô lăng”.
Tôi trải qua 2 cảm xúc: Đầu tiên là quá sợ hãi khi có cảnh sát chạy theo, hú còi ầm ầm, rọi đèn sáng choang. Sau đó là cảm giác dễ chịu, yên tâm trước thái độ lịch sự của viên cảnh sát.
Bài học ở đây là gì? Cảnh sát cực kỳ nghiêm khắc, nếu chống đối, bỏ chạy có thể bị bắn. Nhưng cảnh sát cũng cực kỳ… dễ thương khi không hạch sách, còn bắt tay, vỗ vai và khuyên nên đi cẩn thận, tạo cho người dân cảm giác yên tâm là “chúng tôi đang bảo vệ anh”.
Ở Việt Nam thì sao? Dừng đèn đỏ, không thấy cảnh sát là rồ ga chạy, thậm chí người vi phạm sẵn sàng lao vào đánh cảnh sát. Vì sao như vậy? Có thể họ nghĩ nếu bị cảnh sát bắt, bằng cách này hay cách khác cũng xin được, tinh thần thượng tôn pháp luật không có. Còn nếu cảnh sát đánh trả kẻ tấn công thì có nhiều người quay phim, chụp hình, bao nhiêu phương tiện truyền thông vào khai thác, người dân “ném đá”, ngay hôm sau có thể họ bị đình chỉ, riết rồi cảnh sát bị chùn tay trước vi phạm và những “mối quan hệ”.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Theo tôi hoặc do cảnh sát chưa nghiêm hoặc còn điều gì đó làm cho người dân không sợ. Người dân thường có thái độ “cứ nhìn người vi phạm là thương cảm vì anh ta ở thế kẻ yếu”, trong khi ở các nước, đã vi phạm pháp luật là phải bị xử lý và phải tuân thủ. Nếu cảnh sát làm sai thì sẽ có cơ quan xử lý. Pháp luật là công bằng cho tất cả mọi người.
Thói quen tạo thành bản chất và ý thức
Ý thức nơi công cộng của người Việt có kém không? Phải nhìn từ số đông. Tôi nghĩ số đông người đi đường rất tuân thủ pháp luật nhưng họ lại bị ảnh hưởng bởi những người vi phạm, nhất là khi hạ tầng cơ sở giao thông không đáp ứng đủ, kẹt xe, ngập nước, hệ thống đèn giao thông chưa tốt...
Ông bà mình hay nói: “Lúc nhỏ trộm trứng gà thì lớn lên có thể ăn cắp con bò”. Đứng kế bên thấy bịch rác trước nhà đá qua nhà hàng xóm cũng chẳng sao hoặc vượt đèn đỏ vài lần không bị phạt... Những hành động lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen, thói quen dần sẽ tạo thành bản chất và ý thức. Khi những hành vi không đúng xảy ra trước mắt mọi người thì người ta có khuynh hướng bắt chước. Tại sao phải chôn chân trong đám kẹt xe, trong khi có người leo lề, lạng lách, vượt đèn đỏ thoát được ra ngoài? Cứ thế, nhiều người bị lôi kéo theo cái sai và gây nguy hại cho xã hội.
Ngày cuối tuần, tôi thường chở con trai 4 tuổi ra Công viên 30-4 chơi, thấy rất nhiều sinh viên ngồi sinh hoạt. Khi họ đứng lên, xung quanh còn lại toàn rác. Ban đầu, tôi nhắc nhở: “Sao các em vứt rác bừa bãi?”, một số người cười trừ, một số khác lại lầm bầm: “Ông này khùng”. Sau này, tôi nghĩ cách đơn giản hơn, cho con trai đạp xe dạo chơi quanh công viên, thấy ai vứt rác xuống chân là con chạy xe lại nhặt bỏ vào thùng rác. Biện pháp này kích thích lòng tự trọng của mỗi sinh viên, họ thấy xấu hổ vì mình xả rác để một đứa bé 4 tuổi nhặt bỏ vào thùng. Những tuần sau đó, khu vực nào con trai tôi chạy xe ngang qua, sinh viên thấy “quen” đều tự động bỏ rác vào thùng…
Khi còn học ở Mỹ, một giáo sư ra bài tập ứng xử: “Khi đang đi trong hành lang, bạn bị một sinh viên ném vỏ chuối trúng người, bạn sẽ làm gì?”. Câu trả lời hay nhất là: “Nhặt vỏ chuối lên và nói với người vừa ném: “Bạn vừa đánh rơi vật này…”. Ở nước ngoài, họ đào tạo ý thức cho học sinh, sinh viên từ những điều căn bản như vậy.
Phạt không phải lúc nào cũng tốt
Về đề xuất tăng mức phạt nặng với những hành vi vi phạm luật giao thông, theo tôi, tăng mức phạt chỉ có tác dụng nếu đời sống của người dân đủ đáp ứng mức phạt đó và họ đã có ý thức đầy đủ… Phạt không phải lúc nào cũng tốt. Tăng mức phạt nhưng sự nghiêm minh pháp luật phải có, CSGT không được “thông cảm” khi người đi đường vi phạm, nếu không, tăng mức phạt có thể là hình thức tiếp tay khác... Khi tinh thần thượng tôn pháp luật và lòng tự trọng được nâng cao từ người dân lẫn người thực thi, tăng mức phạt mới hiệu quả.
(*) Xem báo Người Lao Động số ra ngày 29-9
Bình luận (0)