“Sau hàng chục năm sử dụng nước ngầm bị nhiễm mặn, đến năm 2014, chúng tôi vui mừng khi được biết Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi tỉnh Quảng Nam đầu tư gần 9,2 tỉ đồng để xây dựng Trạm Nước sạch Tam Quang phục vụ cho người dân trong xã. Thế nhưng, sau khi trạm nước sạch đi vào hoạt động, chúng tôi mới tá hỏa vì công trình chỉ phục vụ 600 hộ dân. Bao giờ chúng tôi mới được cung cấp nước sạch?”. Đó là phản ánh của người dân xã Tam Quang với Báo Người Lao Động.
Không biết xét nghiệm ở đâu
Theo bà Nguyễn Thị Thuận, trưởng thôn Trung Toàn, do không được sử dụng nước sạch, khoảng 3.000 hộ dân thuộc các thôn An Hải Đông, An Hải Tây, An Tây, Trung Xuân, Trung Toàn… phải dùng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn để sinh hoạt hoặc bỏ tiền triệu mua nước bình hay chở nước ở xa về.
Thôn Trung Toàn có hơn 300 hộ dân nằm trong vùng nhiễm mặn, việc trồng trọt và chăn nuôi khốn đốn, lại thiếu nước sạch sinh hoạt nên người dân thường bị sốt, ghẻ lở... Gần đây, thôn có 8 trường hợp chết vì ung thư khiến ai cũng lo lắng.
“Giếng khoan sâu hơn 50 m mà bơm lên vẫn nhiễm mặn, màu vàng đục nên không ai dám uống, chỉ dùng để giặt giũ, tắm rửa… Nhiều gia đình mỗi tháng phải chi gần 1 triệu đồng để mua nước bình về uống, nấu ăn vì lo nhiễm bệnh. Bà con muốn đem nước đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân nhưng không biết đến đâu” - bà Thuận băn khoăn.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Phong, Trưởng Trạm Nước sạch xã Tam Quang, cho biết mỗi tháng, trạm chỉ sản xuất được 3.000 m3 nước, phục vụ cho các hộ dân của 4 thôn trong xã. Do dự án chỉ đầu tư 600 đồng hồ cho 600 hộ dân nên trạm không thể cung cấp nước đầy đủ cho các hộ còn lại.
Hết kinh phí!
Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm của xã Tam Quang bị nhiễm mặn, phèn là do gần 20 nhà máy sản xuất đá lạnh mọc lên quanh xã nhằm phục vụ cho ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài việc hút nước ngầm với công suất lớn, các nhà máy sản xuất đá còn gây ô nhiễm khi thải ra môi trường nguồn nước nhiễm bẩn. Chưa kể, phong trào nuôi tôm nước lợ càng khiến nhiều diện tích bị nhiễm mặn và hoang hóa do thiếu nước ngọt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, thừa nhận việc xây dựng trạm cung cấp nước sạch với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng nhưng chỉ cung cấp nước sạch cho khoảng 600 hộ/3.500 người. Hai năm nay, người dân đã viết đơn cầu cứu lên tỉnh nhưng chưa được giải quyết. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã như Vùng 2 Cảnh sát biển, cảng Kỳ Hà, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà… cũng lâm vào cảnh thiếu hụt nước sạch để hoạt động.
Theo ông Định, nhiều nhà máy sản xuất đá hút nước ngầm với công suất lớn gây hao hụt và ô nhiễm nhưng không thể buộc dừng hoạt động vì ảnh hưởng lớn đến ngành đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân.
Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Người dân đã 4 lần làm đơn gửi lên trung tâm nhưng chúng tôi không dám hứa khi nào sẽ giải quyết dứt điểm. Bởi lẽ, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn đến năm 2020 đã không còn, chúng tôi không thể triển khai thêm dự án cung cấp nước sạch trong thời gian tới”.
Ô nhiễm ở vùng nuôi tôm
Dù đã bước vào vụ nuôi tôm nhưng đến nay, tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân chỉ tiến hành nuôi trên diện tích 15 ha trong tổng số 32 ha của toàn xã. Nguyên nhân là do nước nhiễm phèn nặng, tỉ lệ rủi ro vì dịch bệnh cao.
Trong khi đó, cánh đồng lúa Đông Dương của người dân thôn 1, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã chết hơn 4 ha. Cá đồng cũng chết hàng loạt do nước bị nhiễm mặn nặng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo ông Mai Khanh, trưởng thôn 1, là do một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc xả nước thải ra cánh đồng Đông Dương.
Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, cho biết cánh đồng Đông Dương có hệ thống đập ngăn mặn với phá Tam Giang nhưng hiện nhiễm mặn nặng. “Chúng tôi chưa thể khẳng định lúa chết có phải do hồ tôm xả nước thải hay không. Cánh đồng này trồng những giống lúa có khả năng chịu mặn khá cao, nay không hiểu sao lại xảy ra như vậy” - ông Hữu băn khoăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện khu vực nuôi tôm của thôn Trung Đồng, xã Điền Hương có các hồ nuôi san sát nhau, đấu nối các đường ống chằng chịt lấy nước từ giếng khoan ngoài biển vào. Khi xảy ra dịch bệnh, thay nước hồ nuôi hay thu hoạch tôm, nước từ các hồ đổ thẳng ra mương rồi chảy ra biển mà không qua hệ thống xử lý nên rất dễ xảy ra dịch bệnh.
Q.Nhật
Bình luận (0)