Độ ẩm không khí quá cao kèm theo mưa phùn, trời nồm, ẩm ướt khiến sinh hoạt của nhiều gia đình trở nên khó khăn. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, tình trạng ẩm ướt này sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cuộc sống đảo lộn
Quần áo phơi cả tuần không khô; lau nhà nhiều lần mà nền vẫn ướt nhẹp; trẻ con, người già đổ bệnh thi nhau ho, ốm, sốt; đồ đạc bỗng dưng “đổ mồ hôi”... là những tình cảnh khó chịu mà người Hà Nội phải đối mặt trong hơn một tuần qua. Chị Vũ Diệu Linh ở khu tập thể Thái Thịnh (quận Đống Đa) than thở: “Mấy hôm nay thời tiết ẩm ướt quá, 2 con tôi phải nghỉ học vì ho và sốt. Nấm mốc và muỗi được dịp phát triển”. Để chống chọi với trời nồm, chị Linh đã phải bật máy điều hòa ở chế độ nóng và sử dụng máy sưởi nhưng tình hình vẫn không cải thiện được mấy.
Thời tiết nồm ẩm đã khiến hàng loạt máy móc, đồ điện tử của gia đình bà Trần Thu Hiền (70 tuổi, ngụ phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) “chập mạch”. Tủ lạnh của nhà bà luôn “đổ mồ hôi”, nước chảy thành giọt, tivi bật cả giờ mới lên hình, thậm chí chiếc đèn bàn học của cô cháu gái mỗi lần bật lên chỉ nhấp nháy rồi tắt lịm. Ngay cả chiếc điện thoại cũng trở chứng không gọi được. “Cả tuần qua, nền nhà lúc nào cũng nhớp nháp, có ngày lau nhà tới 4-5 lượt nhưng chỉ một lúc sau lại ẩm ướt. Tường nhà, đồ đạc từ chỗ lấm tấm nước giờ chuyển sang mốc đen, quần áo phơi cả tuần chẳng những không khô mà còn bốc mùi ẩm mốc, hôi hám rất khó chịu” - bà Hiền phàn nàn.
Trong nhà đã thế, ra ngoài cũng không khá hơn. Đường phố Hà Nội lúc nào cũng lép nhép, trơn trượt, bẩn thỉu. Để đối phó với thời tiết bất thường, người dân đổ xô mua máy hút ẩm, tủ sấy, máy sấy quần áo. Thế nhưng, đây cũng là biện pháp tạm thời chứ cũng không mang lại nhiều hiệu quả.
Nguy hiểm từ thiết bị điện
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết trong những ngày tới toàn miền Bắc sẽ ấm dần nhưng tình trạng ẩm ướt nhiều sẽ còn kéo dài. Hiện độ ẩm toàn miền đã lên tới xấp xỉ 100%. Theo các chuyên gia thời tiết, trời nồm là hiện tượng thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm tại miền Bắc. Mỗi đợt kéo dài vài ngày, thậm chí hàng tuần lễ và chỉ khi có gió lạnh và khô thổi về mới “mang” nồm đi được.
PGS-TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa - ĐHQG Hà Nội, khuyến cáo không nên mở cửa khi trời nồm vì như thế không khí ẩm bên ngoài bay vào phòng sẽ càng làm cho căn phòng trở nên ướt át, khó chịu. “Người dân không nên chống lại hiện tượng nhà ẩm ướt bằng cách dùng quạt bởi việc dùng quạt để hong khô nhà và đồ đạc nhưng cũng làm hơi nước càng ngưng tụ, ẩm mốc nhiều hơn. Tốt nhất là lau nhà bằng khăn khô, đóng kín cửa để hạn chế sự xâm nhập của hơi ẩm từ bên ngoài và nếu có thể nên tăng nhiệt độ trong phòng bằng máy điều hòa hoặc dùng máy hút ẩm” - PGS Côn nói.
Để hạn chế những ảnh hưởng của thời tiết đối với thiết bị điện tử, một số chuyên gia cho rằng nên cắm điện các ở chế độ chờ đối với tivi, máy tính, đầu đĩa... để tránh bị ẩm mốc. Ngoài ra, nên thường xuyên bật tivi, máy tính, máy in… để chống ẩm. Trường hợp thiết bị điện tử bị ẩm, nên dùng máy sấy khô bên trong, tránh để thiết bị rò điện có thể gây nguy hiểm khi sử dụng. Các chuyên gia về điện cũng lưu ý trong những ngày trời nồm, cần lưu ý đến các thiết bị điện tử trong nhà để tránh hiện tượng rò điện. Mọi thiết bị điện tử nên tránh đặt trực tiếp xuống sàn nhà hoặc kê sát tường mà nên đặt các thiết bị cao hơn mặt đất 1 m, cách tường 10-15 cm.
Phòng bệnh ở người già, trẻ em
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trời nồm không khí ẩm ướt tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh và phát tán trong không gian. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ em dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp và là căn nguyên khởi phát các bệnh lý về hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng... Không những thế, độ ẩm khiến nhiều căn bệnh về da, xương khớp, cảm lạnh, đau lưng tái phát hoặc tăng nặng. Mặt khác, khí hậu ẩm ướt cũng khiến muỗi sinh sôi và truyền dịch bệnh. Các chuyên gia cũng cảnh báo thời tiết nồm ẩm của mùa xuân cũng là thời điểm mà dịch cúm gia cầm dễ bùng phát, lây lan.
Bình luận (0)