Sự cố sập giàn giáo thi công tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội vào sáng 28-12 không gây thiệt hại về người nhưng đã gióng lên hồi chuông báo động cho công tác an toàn trong ngành xây dựng. Cách đây khoảng 1 tháng, tại công trường này - cách vị trí của vụ sập giàn giáo 100 m - cũng đã xảy ra tai nạn chết người do dầm thép rơi.
Sau những sự cố như thế, Bộ GTVT cũng như các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Thế nhưng, thủ tục và cách xử lý của các cơ quan chức năng vẫn có gì đó chưa bền vững, chưa ổn trong lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước. Bởi vậy, tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra trên các công trường xây dựng, đặc biệt là từ sau vụ tai nạn đau lòng tại dự án cầu Cần Thơ năm 2007 làm rất nhiều người thiệt mạng.
Sụp giàn giáo thi công, tất nhiên lỗi do nhà thầu thi công là chính vì biện pháp thi công, trong đó có biện pháp an toàn do nhà thầu lập và duyệt. Trách nhiệm sau đó lần lượt là đơn vị tư vấn giám sát, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các lực lượng thanh tra... Nhưng sự cố tai nạn cứ lặp đi lặp lại luôn làm chúng ta đặt nghi vấn: Phải chăng còn có những “lỗ hổng” khác nghiêm trọng hơn?
Sau tai nạn giao thông thì tai nạn trong thi công xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng nhất, trên cả tai nạn do cháy, nổ. Giàn giáo cốp pha là hạng mục tạm, làm xong trong một thời gian ngắn đã phải tháo dỡ nhưng lại chịu tải lớn do tĩnh tải bê-tông cốt thép và hoạt tải thi công trong lúc kết cấu chính bê-tông cốt thép chưa chịu lực. Quan trọng hơn cả là người phụ trách kỹ thuật thường không nắm được hoặc hiểu sai về sơ đồ và tổ hợp tải trọng tính toán hệ giàn giáo.
Tại Việt Nam, giáo trình, tài liệu của các trường cao đẳng, đại học về tính toán giàn giáo thi công trong môn học thi công xây dựng đều viết sơ sài, thậm chí nhiều sai sót. Những giáo trình này không có các công nghệ thi công mới, chưa đi sâu vào công trình kỹ thuật quan trọng. Đáng trách là các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng phục vụ công tác thiết kế an toàn cho hệ giàn giáo cốp pha đã quá lạc hậu như: TCVN 4453-1995 về nghiệm thu thi công bê-tông cốt thép toàn khối, TCVN 2737-1995 về tải trọng tác động, TCXDVN 296-2004 về yêu cầu an toàn cho giàn giáo… Cứ làm một cuộc điều tra xã hội học, chúng ta sẽ biết tâm sự và lo lắng của các kỹ sư xây dựng Việt Nam khi phải thiết kế giàn giáo. Phần lớn chỉ làm theo kinh nghiệm và... hên xui.
Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng là sự thiếu sót các văn bản pháp lý cũng như định chế kiểm soát chặt chẽ cho việc thực hiện và quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt là quản lý chất lượng nhà thầu nước ngoài. Khó chấp nhận một dự án khi thực hiện tăng chi phí trên 300 triệu USD, vừa gây ra sự cố về an toàn trong thi công xây dựng gây tai nạn chết người lại tiếp tục gây ra sự cố sập giàn giáo trong vòng 1 tháng.
Với thông lệ các nước trên thế giới, không ai chấp nhận nhà thầu như thế tiếp tục thi công.
Phải xử lý nhà đầu tư thiếu năng lực
Đã đến lúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các ngành liên quan khác nên nghĩ lại trách nhiệm của ngành mình trong việc tham mưu cho Chính phủ các văn bản quản lý về các dạng hợp đồng PPP, hợp đồng EPC, hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài... Phải thật nghiêm minh và dũng cảm để xử lý những nhà đầu tư hoặc nhà thầu nước ngoài thiếu năng lực gây tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Bình luận (0)