Ông Nguyễn Hùng, chủ ki-ốt số 17, cho biết ông sang nhượng ki-ốt này từ năm 1988 với giá 5 chỉ vàng để hành nghề hớt tóc từ đó đến nay, hằng tháng đều phải trả tiền hoa chi là 200.000 đồng. Hiện gia đình ông đang rất khó khăn nên đề nghị chính quyền hỗ trợ khi di dời.
Tương tự, cuối năm 2010, bà Phạm Thị Ái mượn tiền của người thân để sang lại ki-ốt số 12 với giá 200 triệu đồng để bán thuốc tây. Bà Ái nói: “Tiền mượn để sang nhượng ki-ốt chưa trả xong, nay bị giải tỏa mà không được hỗ trợ, bồi thường khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.
Ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND phường 6, quận Tân Bình, cho biết dãy ki-ốt trên đường Nghĩa Phát trước năm 1988 là bãi đất hoang, thường xuyên ô nhiễm môi trường nên một số cán bộ hưu trí xin được sử dụng để xây tạm các ki-ốt phục vụ kinh doanh. Thời điểm đó, UBND phường 6 đã đồng ý để các hộ kinh doanh buôn bán và yêu cầu làm cam kết tháo dỡ không bồi hoàn khi nhà nước thu hồi mở rộng đường. Hiện nay, có 28 ki-ốt đang kinh doanh và hầu hết là sang nhượng lại. Vì lý do này, chính quyền địa phương không chấp nhận đề nghị bồi thường, hỗ trợ của các hộ dân. “Việc sang nhượng giữa các hộ dân không thông qua phường, không hợp pháp nên khi xảy ra thiệt hại các bên tự thương lượng, hoặc kiện ra tòa để được giải quyết” - ông Thảo nhấn mạnh.
Bình luận (0)