Việc nên hay không nên cho phép phạm nhân được lao động, sản xuất bên ngoài trại giam gây ra một số ý kiến băn khoăn, tranh luận trái chiều.
Với ý kiến cá nhân, tôi cho rằng đây không những là chính sách tiến bộ, nhân văn mà việc cho phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam còn có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, giúp phạm nhân có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống sôi động, phong phú bên ngoài. Từ đó, giúp họ lạc quan, có thêm quyết tâm cải tạo tốt để có thể sớm được về với gia đình, xã hội.
Thứ hai, phạm nhân ra bên ngoài trại giam nhưng đều có quy định về sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ quản giáo. Đặc biệt, cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, phối hợp với DN khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động. Do đó, nếu không bảo đảm các điều kiện, không đủ khả năng kiểm soát, không có cơ sở giam giữ nào dám để phạm nhân ra ngoài lao động.
Thứ ba, hiện nay một số cơ sở giam giữ quá tải, phòng giam chật chội, việc bảo đảm chế độ chính sách cho phạm nhân ở một số nơi còn khó khăn. Việc tạo điều kiện cho phạm nhân được lao động sản xuất góp phần cải thiện cuộc sống của họ và giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ sở giam giữ.
Thứ tư, bảo đảm phạm nhân có điều kiện làm quen với công việc lao động, sản xuất, trực tiếp làm việc ở các DN thì sau khi ra tù, họ sẽ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti sau một thời gian dài bị cách ly...
Vì vậy, cho phép phạm nhân được lao động, sản xuất ngoài trại giam thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong giam giữ, cải tạo phạm nhân. Mục đích của việc giam giữ không chỉ đơn thuần là hình phạt, buộc phải trả giá cho hành vi phạm tội mà quan trọng hơn chính là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành công dân tốt, hòa nhập được với cộng đồng.
Bình luận (0)