Thời gian qua, rất nhiều người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng tại nhiều địa phương tỉnh Phú Yên phản ánh tình trạng các khu tái định cư (TĐC) vừa xây dựng đã bị ngập nặng không thể ở được. Mùa mưa bão đến gần, tình trạng ngập càng thêm trầm trọng.
Mới mưa đã ngập
Những ngày qua, chỉ có vài cơn mưa nhỏ nhưng khu TĐC Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã lai láng nước, có nơi ngập sâu đến gần 1 m. Được xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2012 nhưng đến nay chưa có hộ dân nào dám đến ở. “Nhiều hộ dân ở đây sống trong vùng sạt lở do triều cường rất nguy hiểm. Muốn vào khu TĐC cho an toàn nhưng thấy cảnh ngập thế này, ai dám ở” - ông Huỳnh Ngọc Thử, Bí thư Chi bộ thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, bày tỏ.
Cả khu TĐC rộng hơn 4 ha nhưng hiện chỉ có một nhà trẻ đang được xây dựng, giờ như ốc đảo, xung quanh toàn là nước. “Kinh phí xây dựng khu TĐC này hơn 10 tỉ đồng, do Ban Quản lý các công trình trọng điểm thị xã Sông Cầu làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng ngập nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết.
Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, dự án khu TĐC Vịnh Hòa rộng đến 40 ha không chỉ để bố trí chỗ ở cho các hộ bị sạt lở do triều cường mà còn phục vụ việc giãn dân với trên 1.000 hộ. Do không đủ kinh phí nên dự án phải dừng lại ở giai đoạn 1 với hơn 4 ha. UBND thị xã Sông Cầu đã yêu cầu chủ đầu tư xử lý thoát nước nhưng chưa có phương án nào khả thi. Nguyên nhân do mặt bằng khu TĐC sau khi san lấp không cao hơn mặt biển bao nhiêu nên không thoát nước được.
Lụt xuống, dân làng chắc chết
Để phục vụ cho việc di dời 1.029 hộ dân bị mất nhà do mở rộng Quốc lộ (QL) 1, tỉnh Phú Yên đang xây dựng 16 khu TĐC với kinh phí hơn 276 tỉ đồng. Đến nay, chỉ duy nhất khu TĐC ở TP Tuy Hòa được hoàn thiện. Việc xây dựng các khu TĐC không chỉ quá chậm, không bố trí được chỗ ở cho những hộ dân đã trả mặt bằng cho đơn vị thi công mà nhiều người còn lo ngại các khu này không bảo đảm an toàn.
Khu TĐC Cần Lương (xã An Dân, huyện Tuy An) được xây dựng trên cánh đồng trũng mà người dân nơi đây gọi là “họng nước” của nhiều con suối, vực núi như vực Tít, suối Đăng, hố Đổ, hố Bà Ký. “Năm nào có lụt thì cánh đồng này nước chảy băng băng, tràn qua QL 1. Bây giờ xây dựng khu TĐC này chắn ngang họng nước, lại thấp hơn cả QL 1 thì quá nguy hiểm cho người dân vào đây” - ông Võ Ngọc Tho, một người dân thuộc diện phải di dời vào khu TĐC này, quả quyết.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thừa nhận khu TĐC này đã xây dựng vào chỗ ruộng thấp. “Chúng tôi sẽ đặt thêm cống, hy vọng đủ thoát nước chứ không sao đâu” - ông Ngoạn trấn an.
Trong khi đó tại thị xã Sông Cầu, người dân phường Xuân Đài liên tục đề đạt ý kiến lên lãnh đạo thị xã xem lại khu TĐC Xóm Mới sẽ gây ngập lụt cho hàng ngàn hộ dân của 2 khu phố Chánh Bắc và Chánh Nam. Trước đây, cánh đồng Vườn là nơi thoát nước của cả khu vực rộng lớn phía Nam dốc Găng, giờ xây dựng khu TĐC Xóm Mới chắn ngang đồng ruộng, chỉ chừa một họng cống chưa đến 1 m thì không thể thoát nước kịp khi mưa lũ.
Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết: “Tôi vừa nhận được báo cáo của Phòng Quản lý đô thị thị xã Sông Cầu phản ánh về khả năng gây ngập ở khu TĐC Xóm Mới. Chúng tôi đang chỉ đạo phó chủ tịch huyện thị sát để có hướng xử lý”.
Sợ chậm tiến độ
Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, cho biết hầu hết các khu TĐC đều do huyện, thị xã làm chủ đầu tư và lo toàn bộ các khâu từ thiết kế đến thi công. Sở Xây dựng thi thoảng mới đi kiểm tra. Sở này cũng đã lo ngại về vấn đề thoát lũ ở các khu TĐC. “Đã nhắc nhở từ đầu, khi thiết kế là phải bảo đảm thoát lũ. Chỉ nhắc nhở vậy thôi chứ soi vào kỹ quá, lỡ chậm tiến độ thì sinh chuyện” - ông Bình nói.
Bình luận (0)