Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu chi tiêu hằng ngày vẫn phải được bảo đảm ở mức tối thiểu.
Sau giãn cách, nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao, không chỉ là cho chi tiêu trước mắt mà còn để đầu tư, phục hồi sản xuất - kinh doanh sau thời gian dài gián đoạn do phòng chống dịch Covid-19.
Đây là thời điểm "tín dụng đen" có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, với các chiêu trò như thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp, chỉ cần CMND, cà vẹt xe hoặc hộ khẩu… Thực tế, ai cũng biết lãi suất, hình thức thanh toán đều thỏa thuận miệng nhưng khi người vay không có khả năng thanh toán thì sẽ bị uy hiếp, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản…, như từng xảy ra mà báo chí, cơ quan chức năng nhiều lần phản ánh, cảnh báo.
Để ngăn chặn "tín dụng đen", cần phát động chiến dịch tẩy xóa, thu gom tờ rơi, tờ bướm quảng cáo vay nặng lãi; tuyên truyền, vận động người dân không vay nặng lãi. Nếu ai có khó khăn về tài chính thì liên hệ với tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức tài chính có đăng ký kinh doanh hợp pháp để vay; đồng thời, khuyến khích người dân tố giác các hành vi cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, công an địa phương phải quản lý chặt các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi; các tổ chức tín dụng cần đơn giản tối đa thủ tục cho vay để người dân có khó khăn về tài chính được tiếp cận nguồn vốn.
Đặc biệt, nhà nước cần chuẩn bị hoặc huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để người dân có nhu cầu tiếp cận. Ngoài ra, phát huy vai trò của ban quản lý thôn, tổ dân phố, hội phụ nữ, hội nông dân và các hội, đoàn thể khác thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, đoàn viên tiếp cận khoản vay không lãi suất để sản xuất hoặc tiêu dùng, không để đoàn viên, hội viên trở thành nạn nhân của "tín dụng đen".
Bình luận (0)