TS Phạm Sanh, Chuyên gia giao thông:
Cần có quy hoạch vận tải hàng hóa đô thị
Kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại và vận chuyển, trong đó có vận chuyển hàng hóa, ở đô thị tăng cao. Khi đô thị phát triển, TP HCM sẽ còn phải đối mặt chuyện kẹt xe và tai nạn giao thông.
Khảo sát dòng xe trên đường, cứ 10 ô tô là có khoảng 2 xe tải chở hàng; cứ 10 xe máy là có khoảng 3 xe chở hàng. Chỉ cần thiếu một quy hoạch chi tiết vận chuyển hàng hóa trong TP là phát sinh đủ loại phương tiện chuyên chở sao cho người bán, người mua cùng có lợi. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa trong đô thị, với hạ tầng giao thông thiếu và quản lý giao thông yếu, chúng ta thấy rõ bức tranh vận chuyển hàng khá hỗn loạn do có quá nhiều loại phương tiện. Thêm sự lỏng lẻo trong quản lý địa bàn, quản lý trật tự an toàn giao thông, số lượng xe “mù” (cách người dân gọi xe máy đã thay đổi kết cấu ban đầu) sẽ phát triển nhanh. Đây chính là hung thần gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị và coi thường pháp luật.
Tuy nhiên, ngoài những giải pháp tích cực của ngành công an trong chiến dịch dẹp nạn xe “mù”, ngành giao thông vận tải TP HCM cũng nên nghiên cứu quy hoạch chi tiết vận tải hàng hóa trong đô thị theo kinh nghiệm của các nước. Vì ngoài lực lượng xe “mù”, còn có nhiều xe chở hàng cồng kềnh đang góp phần làm kẹt xe và tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, ngành công an không nên chỉ dừng lại ở xe máy “mù” mà còn mở rộng xử lý các xe máy chở hàng cồng kềnh sai quy định, như xe 3 bánh “mù” đang chạy đầy đường.
ông Phan Chí Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê (quận 7, TP HCM):
Hãy truy tận nguồn
Tại TP HCM hiện có rất nhiều nơi chuyên độ xe để đua hoặc bán cho các cơ sở sản xuất. Các cơ quan chức năng cũng biết khá rõ những nơi này nhưng vấn đề là chưa thấy dẹp. Nếu cắt nguồn xe độ từ những nơi này, chúng tôi tin rằng tình trạng sử dụng xe quá đát, xe “mù” sẽ giảm đáng kể.
Mặt khác, hiện rất nhiều nơi chuyên mua xe cũ, xe thanh lý từ các cơ quan chức năng để độ lại rồi tung ra thị trường. Rất nhiều người, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nước đá, bánh mì, cung cấp gas... và các sạp hàng ở chợ thường mua về cho nhân viên giao hàng do giá rẻ. Những người này chạy rất ẩu và khi gây tai nạn nhiều khi bỏ luôn cả xe.
Một nguồn xe độ khác là xe cũ được đưa từ Campuchia về. Nguồn hàng này đã tồn tại bao nhiêu năm qua nhưng chẳng bao giờ ngăn chặn được.
Bà Trần Thị Quế (phường 14, quận 4, TP HCM):
Chờ... quyết tâm
Tôi và con trai từng là nạn nhân của loại xe độ trên. Tại ngã ba đường Xóm Chiếu và Nguyễn Tất Thành (quận 4), khi đèn tín hiệu giao thông đã bật xanh, tôi vừa từ đường Xóm Chiếu quẹo trái thì bất ngờ một cậu thanh niên chở nước đá đi xe độ vượt đèn đỏ phía đường Nguyễn Tất Thành. Cậu ta tông thẳng vào bánh trước, hất xe tôi ngã xuống đường rồi nhanh chóng rồ ga chạy thẳng qua hướng cầu Tân Thuận. Tôi bị trầy xước khắp người và trật cổ tay.
Còn con trai tôi thì bị xe “mù” lách qua mặt với tốc độ cao, ép ngã vào taxi. May mà chiếc taxi chạy chậm nên cú ngã chỉ làm cháu trầy xước.
Kiên quyết, mạnh tay xử lý thì chẳng mấy chốc xe độ chẳng còn đất sống. Vấn đề là chúng tôi chờ các cơ quan chức năng sẽ quyết tâm đến đâu?
Tịch thu 131 xe vi phạm
Chiều 20-10, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM đã tổ chức đợt ra quân xử phạt xe thay đổi kết cấu ban đầu. Trong ngày, lực lượng cảnh sát đã lập 222 biên bản vi phạm, tịch thu 131 phương tiện, trong đó khoảng 10% người vi phạm bỏ luôn phương tiện. Các xe đa phần phạm lỗi không đèn, không còi, không kính chiếu hậu, thậm chí có xe còn dùng BKS giả.
Theo thống kê sơ bộ, đa số người vi phạm đều làm thuê, lao động nghèo. Ngoài việc lập biên bản, PC67 còn liên hệ chính quyền địa phương yêu cầu chủ xe, chủ cơ sở cam kết không tái phạm.
L.Phong
Bình luận (0)