Người tiêu dùng lãnh đủ!
Chúng tôi chỉ là những người tiêu dùng, không quan tâm đến việc sắp xếp hoạt động kinh doanh gas ra sao, doanh nghiệp (DN) nào còn tồn tại hay giải thể qua sự sắp xếp ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc được xài gas giá rẻ trong điều kiện cạnh tranh sòng phẳng, sử dụng gas an toàn, tiện dụng...
Tuy nhiên, đọc thông tin trên Báo NLĐ, chúng tôi không khỏi lo lắng; đồng thời rất đồng cảm với nhận định rằng điều này sẽ dễ phát sinh độc quyền. Lâu nay, người dân nói chung đã rất ngán ngẩm với các ngành, dịch vụ, sản phẩm... độc quyền. Bởi, độc quyền sẽ sinh ra cửa quyền, thao túng làm giá, cuối cùng người tiêu dùng sẽ lãnh đủ. Nếu dự thảo này được chấp thuận, chắc chắn với các điều kiện khắt khe, chỉ vài DN lớn mới đủ sức tồn tại. Khi đó, ai dám bảo đảm các “đại gia” này không bắt tay nhau làm giá, thao túng thị trường gas trong nước?
Lâu nay ở ta thường xảy ra tình trạng quản lý không được, kiểm soát không xuể thì cơ quan quản lý Nhà nước lại dự tính hoặc ban hành các quy định rất bất cập. Mới đây, để hạn chế nạn ùn tắc giao thông tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng từng nghĩ đến “sáng kiến” thu phí lưu hành xe cá nhân, nâng cao lệ phí trước bạ xe mới mua và đã gây phản ứng không đồng tình của dư luận. Dự thảo quản lý thị trường gas lần này lại càng bất cập.
Trần Tình (Q. Tân Bình-TPHCM)
Nên mở rộng sự cạnh tranh lành mạnh
Khi giá dầu thế giới tăng lên, những DN kinh doanh gas tăng giá gas. Người tiêu dùng đảo điên vì giá cả leo thang. Nhưng khi giá dầu thế giới giảm xuống thì giá gas trong nước lại không giảm tương ứng. Nguyên nhân chính là các DN cùng nhau giữ giá gas ở mức cao. Hiện nay có gần 80 DN đang kinh doanh gas mà người tiêu dùng còn bị khốn khổ như vậy, nếu số DN kinh doanh gas giảm xuống sẽ rất khó khăn cho người tiêu dùng.
Bản dự thảo với mục đích quản lý chặt chẽ hơn thị trường kinh doanh gas, nhưng lại đưa ra những điều kiện quá khắt khe (về bến cảng, kho bãi, số vỏ bình gas...). Nếu những quy định này được thông qua, những DN vừa và nhỏ phải bỏ cuộc, tức là số DN kinh doanh gas sẽ càng ít đi, điều đó dễ phát sinh độc quyền. Tôi đề nghị Bộ Công Thương nên sâu sát thực tế, rất cần tăng cường quản lý, nhưng cũng rất cần mở rộng sự cạnh tranh lành mạnh để nhiều DN cùng tham gia.
NGUYỄN VIẾT VUI (Q.Phú Nhuận-TPHCM)
Nhập hàng hóa không cần cảng riêng
Dự thảo đưa ra quy định DN nhập khẩu, xuất khẩu gas phải có cảng riêng thuộc sở hữu, hoặc đồng sở hữu, hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng từ 1 năm trở lên để tiếp nhận tàu chở gas... Đây là quy định vô lý và lãng phí. Xây dựng và kinh doanh cảng đã có ngành GTVT. Khi DN kinh doanh gas có tàu gas cập cảng chỉ cần thuê cầu tàu theo từng chuyến tàu. Lâu nay DN kinh doanh gas không có cảng riêng họ vẫn nhập được gas an toàn, sao giờ lại đưa ra quy định về bến cảng? Mặt khác, ai cũng đua nhau xây cảng thì chỗ đâu mà xây? Có cảng rồi khai thác không hết công suất thì vô cùng lãng phí.
Tôi nghĩ điều chính yếu là cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc sang chiết gas lậu, kho chứa gas phải bảo đảm an toàn, chất lượng bình gas phải đúng tiêu chuẩn… Tăng cường quản lý nhưng phải là những giải pháp mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.
NGUYỄN XUÂN HƯNG (Q.3-TPHCM)
Bình luận (0)