Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, mỗi năm tỉnh này có 5 - 7 ngư dân bị mất tích trên biển, từ 9 đến 15 lượt tàu gặp nạn, trong đó có chuyến chỉ còn người trở về, toàn bộ tàu và tài sản đều nằm lại dưới biển sâu.
Trắng tay sau một đêm
Ông Trần Thịnh (SN 1971, ở phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vừa buông câu trên chiếc ghe nhỏ nơi cửa sông vừa nghĩ về đêm định mệnh đối với chiếc tàu PY-96284-TS của gia đình mình. Nghe đài báo cơn bão số 1 hình thành trên vùng biển Trường Sa, ông Thịnh cùng 9 ngư dân vội đưa tàu về đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trú ẩn.
Ngồi câu cá trên chiếc ghe nhỏ nơi cửa biển, ông Trần Thịnh càng khát khao lại được ra khơi
Bốn giờ ngày 28-3-2012, khi tàu vừa đến đảo Đá Lớn, chưa kịp neo đã bị một con sóng to đập mạnh, đẩy tàu vào bãi đá ngầm. Tàu PY-22005-TS của ông Nguyễn Đức (SN 1955, cùng ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) neo đậu gần đó phát hiện vội nhổ neo, nổ máy để cứu tàu người đồng hương. “Nhưng sợi dây thừng to bằng bắp tay dùng để cứu hộ tàu của chúng tôi cũng không giữ được tàu của Thịnh.
Liên tục những con sóng to đánh đứt dây thừng, đập tàu của Thịnh vỡ tan nát”- ông Đức kể. “Toàn bộ tài sản không lấy lại được thứ gì. Hơn 750 triệu đồng trị giá chiếc tàu cùng ngư cụ và lưới cả đời dành dụm mới sắm được bỗng chốc mất sạch”- ông Thịnh chùn giọng.
Vừa nghe tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 1, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1976, ngụ khu phố Trần Hưng Đạo, phường 6, TP Tuy Hòa) đang cùng 6 thuyền viên đánh bắt cá ngừ đại dương trên tàu PY-2825-TS ở quần đảo Trường Sa vội chạy vào bờ tránh bão. Nhưng đến chiều 24-3, khi vào cửa biển Đà Rằng thì gặp lúc cửa biển cạn nên tàu mắc kẹt.
Những đợt sóng to liên tục bổ xuống con tàu. Suốt đêm, hàng trăm ngư dân cùng lực lượng bộ đội biên phòng huy động cả xe ủi để kéo tàu nhưng bất thành. Đến sáng hôm sau, con tàu đã bị sóng đánh vỡ từng mảnh. “Cũng may 7 anh em chúng tôi đều thoát nạn dù có người bị thương phải cấp cứu nhưng tài sản, con tàu cùng máy móc trị giá hơn 300 triệu đồng thì không lấy lại được”- ông Thành ngậm ngùi.
Mơ một ngày đạp sóng vươn khơi
Sau vụ tai nạn trắng tay, ông Trần Thịnh đành ở nhà phụ giúp vợ bán quán. “Nhưng trông ảnh buồn lắm. Cứ chiều chiều lại ra bến ngóng về biển. Tối cứ thức giấc giữa đêm. Hỏi thì ảnh bảo: Ngủ trên tàu quen rồi” - bà Trương Thị Mỵ, vợ ông Thịnh, nói. Để giúp chồng đỡ nhớ biển, bà Mỵ sắm chiếc ghe nhỏ để chồng ra cửa biển câu cá vừa có cái ăn vừa có tiền chạy chợ.
Tàu cá của ông Nguyễn Văn Thành bị nạn vỡ nát trên cửa biển Đà Rằng
“Nhưng tôi vẫn chỉ muốn ra tận khơi xa để khai thác. Bao thế hệ gia đình tôi đều làm được điều ấy nhưng sao tôi lại không làm được” - ông Thịnh nói. Vợ chồng ông Thịnh mang 2 sổ đỏ của gia đình và của người em đi vay 330 triệu đồng cùng với số tiền 300 triệu đồng bảo hiểm bồi thường và 20 triệu đồng còn lại ở nhà để mua lại một chiếc tàu với giá 650 triệu đồng.
Nhưng để sắm lưới, ngư cụ, các thiết bị như máy tầm ngư, theo ông Thịnh, cần thêm ít nhất 200 triệu đồng nên con tàu vẫn chưa thể ra khơi. “Dù vậy, tôi tin rằng sẽ có một ngày tôi lái con tàu này đạp sóng ra khơi. Tôi nhớ biển lắm rồi”- mắt ông Thịnh bỗng chốc sáng lên khi nghĩ về một ngày lại vươn khơi xa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành không thể sắm lại tàu mới sau vụ tai nạn vỡ tàu tại cửa biển Đà Rằng. Bà Trần Thị Tốt (62 tuổi, mẹ của ông Thành) cho biết: “Sau vụ tai nạn, Thành buồn lắm, để đỡ nhớ nghề, nó xin đi biển cho một tàu cá khai thác gần bờ”.
Theo bà Tốt, cũng đã có lần bà cầm sổ đỏ lên ngân hàng xin vay tiền với những mong mượn thêm tiền hàng xóm mua chiếc tàu nhỏ cho con ra khơi nhưng ngân hàng không cho vay vì nhà nghèo, vẫn còn nợ ngân hàng, trong khi giá đất nơi gia đình bà ở quá thấp. Mơ ước trở lại trùng khơi vẫn canh cánh bên lòng nhưng ông Thành cứ thắt ruột một nỗi vô vọng mơ hồ...
Lỗ chuyến biển để cứu người nước ngoài
Sáng 30-4-2012, trong khi khai thác cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa, tàu cá PY- 92647-TS do ông Trần Văn Lực (37 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng, phát hiện và cứu 7 người nước ngoài bị nạn đang trôi dạt trên biển. Mặc dù mới xuất bến, chưa khai thác được nhiều cá nhưng vì những người nước ngoài yêu cầu được vào bờ gấp, thuyền trưởng cũng là chủ tàu Trần Văn Lực đành chấp nhận lỗ chuyến biển hơn 200 triệu đồng để vào bờ.
“Khi biết trên tàu có 2 người Malaysia, tôi chợt nhớ đến chuyện người cháu là Ngô Ngọc Cẩn bị Malaysia bắt ở từ 6 tháng vì vào vùng biển của họ để tránh áp thấp nhiệt đới vào tháng 7-2009. Nhưng rồi tôi lại gạt qua suy nghĩ ấy để lo cứu người”- ông Lực bày tỏ. |
Sabeco trao 100 triệu đồng ủng hộ ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chiều 5-7, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại Sabeco đã đến Tòa soạn trao cho Báo Người Lao Động 100 triệu đồng ủng hộ Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”.
Đây là chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động nhằm giúp đỡ ngư dân đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa bị mất tàu, lưới, ngư cụ... Báo Người Lao Động là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận đóng góp của đồng bào cả nước giúp ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa.
Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH một thành viên Thương mại Sabeco (thứ hai từ trái qua), trao 100 triệu đồng cho ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, (thứ ba từ trái qua) để chuyển đến ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa
Ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cảm ơn sự đóng góp quý báu của tập thể lao động Công ty TNHH một thành viên Thương mại Sabeco; đồng thời khẳng định BáoNgười Lao Động luôn là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các chương trình từ thiện thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. |
Bình luận (0)