Cái chết của ông Đinh Xuân Hướng - 47 tuổi, chủ trâu số 18 trong lễ hội chọi trâu ngày 1-7 tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng - đã buộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quyết định tạm dừng lễ hội này. Vụ tai nạn cũng khiến dư luận thêm một lần đặt câu hỏi có nên duy trì những lễ hội bạo lực hay không?
Lắm cảnh đầu rơi, máu chảy
Mỗi năm, Việt Nam có 7.039 lễ hội dân gian, trong đó hơn 500 lễ hội đã được phong di sản các cấp. Số lượng lễ hội mang màu sắc bạo lực như đâm trâu, chém lợn… không nhiều, chỉ khoảng 2% nhưng tính chất của nó thì rất "sốc" bởi những cảnh tượng đầy bạo lực trong khi diễn ra nghi thức lễ.
Một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian cho rằng các lễ hội hiến sinh đâm trâu, chém lợn ở Việt Nam - một đất nước lấy nền nông nghiệp trồng lúa nước làm đầu, không có gì lạ. Theo tín ngưỡng dân gian, máu như là một nghi lễ tế thần thánh để cầu bình yên, thiên nhiên hiền hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc…
Trên thực tế, lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được tổ chức vào ngày 6-1 âm lịch, với nghi thức chém vào giữa thân con lợn bằng đao, sau đó lấy máu bôi vào vải rồi làm lễ tế Thành Hoàng làng… Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn được cho là tái hiện một truyền thuyết của cư dân làng chài; sau thành lễ tế Thần cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá dồi dào, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc… Lễ hội này còn được một số địa phương tổ chức, dù không phải là truyền thống, như tại các huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Vị Xuyên và Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), Hớn Quản (tỉnh Bình Phước)… Những ai tham dự các lễ hội chém lợn, cầu trâu, chọi trâu… đều chứng kiến những hình ảnh máu đổ, đầu rơi…
Trâu chọi số 18 húc chết chủ của mình là ông Đinh Xuân HướngẢnh: Trọng Đức
Không còn ý nghĩa
Nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL đã mạnh tay với những lễ hội bạo lực. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết các địa phương phải hạn chế tối đa những hình ảnh bạo lực, phản cảm. Những lễ hội chọi trâu không phải là truyền thống của địa phương sẽ bị loại bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với đời sống hiện tại.
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, bộ đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương không phục dựng, thực hiện các nghi lễ có tính chất bạo lực trong lễ hội. Với những lễ hội có yếu tố hiến sinh như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, ban tổ chức đã phải đưa ra phương pháp tổ chức phù hợp hơn nhằm bảo đảm giữ nét truyền thống, loại bỏ hình ảnh bạo lực. Tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, khi tổ chức lễ hội cầu trâu cũng đã không còn cảnh đập đầu trâu cho đến chết.
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng nhiều lễ hội đã không còn ý nghĩa nguyên thủy của nó mà biến tướng thành những hủ tục, gây tranh cãi với những cảnh đầu rơi, máu chảy. "Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc. Cũng không nên để xảy ra những hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội" - TS Vịnh bày tỏ.
Nguy cơ thương mại hóa
Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, việc tạm dừng lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn không chỉ vì nó mang tính bạo lực, trái với phong tục tập quán người Việt vốn luôn coi con trâu là bạn của nhà nông, mà còn do nguy cơ thương mại hóa khi thịt trâu chọi được bán với giá cắt cổ.
"Xã hội đang có quá nhiều cảnh bạo lực, cứ mở báo ra là đọc tin đánh nhau đến đổ máu vì những va chạm rất nhỏ nhặt. Vì thế, không cần thêm bạo lực trong các lễ hội nữa" - TS Vịnh nhấn mạnh.
QUY CHẾ TỔ CHỨC LỎNG LẺO
Quy chế của lễ hội chọi trâu không thể để chủ trâu chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu gây ra
Sáng 2-7, đoàn công tác của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy dẫn đầu đã có mặt tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng để kiểm tra công tác tổ chức lễ hội chọi trâu và nắm cụ thể diễn biến sự việc trâu chọi húc chết ông Đinh Xuân Hướng. Đoàn công tác cũng lấy ý kiến của quận Đồ Sơn về việc có nên tiếp tục duy trì lễ hội này không, nếu duy trì thì công tác bảo đảm an toàn được thực hiện ra sao.
"Sự cố hy hữu và đáng tiếc…"
Báo cáo tại buổi kiểm tra, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết vòng loại Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 gồm 16 trận thi đấu với 32 "ông trâu". Từ trận thứ nhất đến trận thứ 13 diễn ra an toàn. Tuy nhiên, đến trận thi đấu thứ 14, vừa được dắt vào sân, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng đã đột ngột tấn công chủ trâu số 23 làm ông này hoảng sợ bỏ chạy. Sau đó, trâu số 18 quay lại húc vào chủ mình là ông Đinh Xuân Hướng khiến nạn nhân bất tỉnh. Ông Hướng nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, đa chấn thương cột sống cổ và thành ngực, đến 18 giờ 30 phút cùng ngày thì tử nạn.
"Lịch sử lễ hội chọi trâu chưa bao giờ xảy ra tai nạn chết người như vậy. Đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc. Ban tổ chức (BTC) có quy chế chặt chẽ; có phương án bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau lễ hội… Địa phương mong muốn tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu và sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, nếu có biểu hiện gì bất bình thường thì triệt để cấm tham gia" - ông Hoàng Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, trưởng BTC - cho biết.
Không có chất kích thích
Trả lời câu hỏi của báo chí về nghi vấn trước khi được đưa ra sân chọi, các "ông trâu" đã sử dụng chất kích thích, ông Hiếu khẳng định: "Kết quả xét nghiệm trên mẫu "ông trâu" số 18 từ Công an TP Hải Phòng cho thấy không hề có chất kích thích khiến nó bị điên".
Tại buổi làm việc, sau khi xem xét nội dung quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn của BTC, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục phó Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, đặt vấn đề: "Trong quy chế tổ chức lễ hội, tôi có cảm giác việc ông Hướng bị trâu húc chết thì phải tự chịu trách nhiệm, còn BTC không có trách nhiệm gì cả, như vậy công tác quản lý của BTC ở đâu?".
Theo bà Hương, quy chế của lễ hội không thể để chủ trâu chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu gây ra. Vì vậy, lãnh đạo quận Đồ Sơn phải cam kết để không lặp lại sự cố, tạo một bước chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân là trách nhiệm chính của chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho rằng lễ hội nào cũng do con người đặt ra, điều cốt lõi là phải xem xét đến yếu tố an toàn, lành mạnh cũng như phù hợp với những giá trị hiện tại. Bà Thủy nhấn mạnh nội dung quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu của BTC đưa ra cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý cũng như phần trách nhiệm.
Bà Thủy khẳng định tới đây, Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng để xem xét cụ thể việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Trường hợp BTC chưa đưa ra được các biện pháp để bảo đảm an toàn, chưa nêu bật được giá trị văn hóa truyền thống thì cũng cần tính đến việc dừng lại.
"Chúng ta phải đặt câu hỏi thẳng thắn rằng sự cố hôm 1-7 có còn lặp lại nữa không? Nếu tiếp tục triển khai lễ hội này thì lãnh đạo TP Hải Phòng phải có cam kết chắc chắn về việc bảo đảm an toàn. Tới đây, TP Hải Phòng nên tổ chức buổi làm việc để lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học cũng như cộng đồng xã hội về việc nên bỏ hay giữ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn" - bà Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải chỉ ở phần chọi trâu mà còn nhờ giá trị tâm linh và phần lễ. Trong 28 năm qua, chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội này chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở chọi trâu mà ít đề cập giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Bà Thủy đề nghị Sở VH-TT-DL tham mưu cho UBND TP Hải Phòng và UBND quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, phù hợp hơn.
Trọng Đức
Bình luận (0)