Mỗi năm học, HS tham gia rất nhiều cuộc thi, hội thi về văn hóa, thể dục thể thao… do nhà trường hoặc các cấp phát động. Lâu nay, để khuyến khích, cổ vũ tinh thần HS, hầu hết các trường, thầy cô giáo đã có nhiều hình thức động viên, phổ biến nhất là cho điểm, thưởng điểm. Có trường “chơi đẹp” thì đặc cách, cho điểm tối đa (như Trường THPT Hùng Vương đã làm). Có trường cho bằng số điểm cao nhất của HS tại lớp đó ở từng bộ môn đạt được trong học kỳ hoặc cả năm. Cũng có trường tổ chức kiểm tra lại sau đó cộng cho mỗi HS vài ba điểm. Ngoài ra, nhiều trường còn nâng đỡ HS đi thi về xếp loại hạnh kiểm, đáng loại trung bình cho lên loại tốt; nếu có vi phạm gì thì xí xóa, bỏ qua. Biết là sai, chưa đúng với quy định, hướng dẫn nhưng đã thành “lệ”, thành thói quen nên năm nào cũng như thế. Rất hiếm có chuyện phụ huynh, HS đi kiện, thưa nhà trường, thầy cô giáo về việc cộng điểm, đặc cách những đối tượng ấy.
Quy chế thi tuyển sinh vào 10, Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hiện hành đều có một số điều khoản về điểm ưu tiên, cộng điểm khuyến khích, đặc cách đối với HS dự thi quốc tế, khu vực, đối với người khuyết tật, đối với các trường hợp đau, ốm, tai nạn… Đây là việc làm đúng đắn, cần thiết. (Ví dụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT nếu không cộng điểm khuyến khích cho xếp loại chứng nhận nghề phổ thông thì sẽ không có mấy HS học). Tuy nhiên, với việc cho điểm, thưởng điểm như trên là hoàn toàn sai quy định, cần lấy Thông tư 58 làm chuẩn để có sự đồng bộ, thống nhất. Nghĩa là HS tham gia các cuộc thi, hội thi ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều phải được kiểm tra lại từ bài kiểm tra 15 phút đến bài kiểm tra học kỳ, với mức độ nội dung, kiến thức tương đương nhằm tạo sự công bằng đối với những HS khác. Còn để động viên các em đi thi HS giỏi, thi năng khiếu, tham gia phong trào…, nhà trường, thầy cô giáo nên chọn hình thức khác, chẳng hạn như khen thưởng thật xứng đáng.
Bình luận (0)