Đánh giá về cơn mưa tối 26-9, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tóm gọn: “Cơn mưa cực đoan đáng ghi vào lịch sử”.
Ông Quyết cho biết chỉ trong thời gian ngắn, mưa đã đổ mạnh xuống khu vực Nam Bộ, riêng tại TP HCM trung bình tổng lượng mưa đạt gần 200 mm, gần bằng trung bình 1 tháng trong mùa mưa Nam Bộ. Cụ thể, tại trạm Mạc Đĩnh Chi là 75,4 mm, Tân Sơn Hòa 170,3 mm, Thanh Đa 172,2 mm, Lý Thường Kiệt 169,4 mm, Quang Trung 140,8 mm, Cầu Bông 133,3 mm…
Ông Quyết thừa nhận tình hình dự báo mưa phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nhưng với thiết bị mà trung tâm đang sử dụng, khó ước tính được mưa sẽ to hay nhỏ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, trong những ngày tới, khó có thể tái diễn “trận mưa lịch sử” như hôm 26-9. Theo đó, từ ngày 27-9 đến 30-9, vũ lượng mưa trung bình chỉ 20-40 mm. Hiện tại, trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phòng chống lụt bão, đơn vị báo đài cập nhật nhanh chóng tình hình thời tiết bất thường để người dân nắm bắt. Về lâu dài, trung tâm sẽ liên kết với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn đến từng số điện thoại khi có thời tiết bất thường.
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập), có 59 điểm ngập trong cơn mưa chiều tối 26-9. Đặc biệt, một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập như đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân... Đây là trận mưa cực đoan lớn nhất từ đầu năm đến nay, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện hữu.
TP có 8 lưu vực bị ngập từ 10 cm đến 50 cm, diện tích bị ngập ở các điểm từ 100 m2 đến 30.000 m2, riêng lưu vực Bến Nghé - quận 4 không bị ngập. Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 50 phút, vũ lượng đạt 170,3 mm đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu 30 cm, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa. Tình hình ngập ở sân bay đã được cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26-8 do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước.
Trung tâm Chống ngập nhận định nguyên nhân ngập là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) làm cản trở dòng chảy; tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng xử lý còn chậm. Bên cạnh đó, một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.
Còn theo trung tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng Trung tâm chỉ huy, Cảnh sát PCCC TP HCM, cơn mưa ngày 26-9 đã nhấn chìm 1.228 xe máy, 114 ô tô. Đến chiều 27-9, bãi xe Nguyễn Siêu (quận 1) và Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải (quận Tân Phú) vẫn còn ngập vì chưa hút hết nước. Khi xảy ra mưa lớn, lực lượng PCCC đã huy động 381 cán bộ, chiến sĩ cùng 70 máy bơm để tham gia cứu hộ tại 44 điểm ngập, trong đó có những điểm xảy ra ngập cục bộ như quận 7, khu vực hầm chui Tân Tạo… Đường dây nóng 114 luôn trong tình trạng quá tải khi nhiều sự cố cháy nổ, cứu nạn được người dân gọi đến.
Trung tá Trưởng cũng thông tin thêm hiện rất nhiều tầng hầm chung cư không bảo đảm được hầm chứa nước. Khi mưa xuống, nếu không kịp dùng bao tải che chắn thì trong vòng 5-10 phút, nước sẽ ngập hết tầng hầm giữ xe.
Bình luận (0)