xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không yêu trẻ thì đừng theo nghề giáo

Đặng Trinh - Yến Anh

Dù bất cứ lý do gì, bạo hành trẻ mầm non là việc làm không thể tha thứ

Một lần nữa, thông tin trẻ mầm non (MN) bị bạo hành lại khiến dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ, phẫn nộ xen lẫn âu lo.

Bột phát hay bản chất?

Chỉ vì ăn cơm chậm hơn các bạn cùng lớp, bé Trần Hữu Phát (Trường Mầm non Tư thục Khai Minh, quận 11, TP HCM) đã bị cô giáo lôi vào góc khuất camera nhéo bầm tai, phạt bê tô cơm hơn 1 giờ, lôi từ bục ném ra sàn, đánh liên tiếp. Liệu có tình huống nào tương tự mà chưa bị phát hiện?

“Ở góc độ quản lý, để xảy ra những trường hợp thế này, tôi rất đau lòng. Nếu là con mình, xem có chịu nổi không? Đánh trẻ mà còn biết lôi vào góc khuất camera để không bị phát hiện thì không thể là hành động bột phát mà là bản chất rồi. Đã không yêu trẻ thì đừng làm nghề giáo” - ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 11, nói về sự việc tại Trường MN Tư thục Khai Minh.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng xâm hại trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất cứ đâu cũng không thể chấp nhận được, nhất là trẻ ở lứa tuổi MN. Xảy ra tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ, trách nhiệm không chỉ của cá nhân người có hành vi xâm hại trực tiếp đối với trẻ mà còn là trách nhiệm của nhà trường cùng địa phương nơi xảy ra bạo hành. “Để hạn chế những vụ việc tương tự, cần những người chăm sóc trẻ có đạo đức, lương tâm và kỹ năng nghề nghiệp. Ở góc độ quản lý, phải tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của chính quyền địa phương với ngành giáo dục trong việc rà soát, kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ tư thục” - bà Nghĩa nói.

 

Cô giáo Trường Mầm non Tư thục Khai Minh (quận 11, TP HCM) đánh trẻ (ảnh từ clip)
Cô giáo Trường Mầm non Tư thục Khai Minh (quận 11, TP HCM) đánh trẻ (ảnh từ clip)

 

Phân tích nguyên nhân các vụ bạo hành trẻ MN, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các cô giáo MN đã thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng và sai lầm về phương pháp xử lý tình huống thường gặp trong chăm sóc giáo dục trẻ MN, nhất là trẻ độ tuổi đi nhà trẻ. Bên cạnh đó, nhiều cô giáo chọn nghề nhưng không yêu nghề, yêu trẻ; không theo năng lực, sở thích của bản thân nên không chịu đựng được áp lực của nghề, trở nên cay nghiệt, sẵn sàng trút giận lên đầu trẻ nhỏ.

Còn theo một lãnh đạo của Cục Nhà giáo - Bộ GD-ĐT, chính chế độ lương bất hợp lý, thu nhập ít ỏi cộng thêm áp lực trong việc chăm sóc trẻ đã khiến nhiều giáo viên (GV) MN nản lòng, dần dần mất đi tình yêu thương với con trẻ. Cụ thể, lương GVMN tới 12 bậc, một GV với lương khởi điểm 1,86, cứ 3 năm lên lương một lần thì rất khó để lên tới bậc lương thứ 12. Trong khi đó, cường độ của GV lên lớp từ 10-12 giờ/ngày.

Ràng buộc bằng pháp luật

Thừa nhận có quá nhiều áp lực từ công việc, phụ huynh, nhà quản lý, dư luận xã hội... đã tác động đến hành vi của GVMN, bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú (TP HCM), cho biết Phòng GD-ĐT đã tổ chức nhiều chuyên đề giảng dạy về đạo đức của GVMN, luôn nhắc các cô điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.

“Tại các trường MN công lập, do ban giám hiệu giám sát chặt chẽ nên GV, bảo mẫu điều chỉnh hành vi, cư xử đúng mực, tình trạng bạo hành trẻ rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, tại các trường MN tư thục, chủ trường và ban giám hiệu chỉ lo tuyển đủ người, không quan tâm đến nghiệp vụ khiến GV lơ là, có nhiều hành động thiếu chuẩn mực. Không tình huống nào giống tình huống nào bởi đặc thù ngành MN thiên hình vạn trạng. Nhiều trường hợp GV, bảo mẫu được đào tạo bài bản vẫn hành xử phản sư phạm. Vì thế, ngoài tổ chức những lớp học kỹ năng, đạo đức nghề giáo, cần thiết nhất là phải ràng buộc họ về mặt pháp luật” - bà Phượng đề xuất.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: “Không nên chỉ lên án các cô giáo MN. Vấn đề là làm sao hỗ trợ, tạo ra môi trường tốt, thuận lợi giúp cho những trường MN, các cô giáo có cơ hội được tiếp xúc với giáo dục trình độ cao, có thu nhập cao hơn, có trách nhiệm và tình yêu thương, thậm chí có phương pháp sư phạm phù hợp hơn với từng nhóm trẻ. Đó mới là điều quan trọng”.

 

Gây ám ảnh cả đời cho trẻ

Bà Chung Bích Phượng cho rằng hiện nay, bảo mẫu và kể cả GVMN thiếu nhất là kỹ năng kiềm chế. Dù nghiệp vụ người nào cũng có nhưng họ hiểu vấn đề như thế nào lại là chuyện khác. Có GV nghĩ đơn thuần bạo hành là đánh, nhéo, trói tay chân, dán băng keo vào miệng trẻ…, những vết thương này theo thời gian sẽ lành lặn nên không ảnh hưởng gì. Họ không ý thức được những hành động đó cũng là những dạng bạo hành về tâm lý, trẻ sẽ bị ám ảnh suốt đời.

 

Nỗi khổ của giáo viên mầm non

Là GV một trường MN tư thục đóng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Hòa tâm sự công việc của một GVMN quá nhiều trong khi thu nhập không tương xứng.

“GV phải có mặt ở trường trước 7 giờ và rời trường lúc 18 giờ 30 phút, thậm chí 19 giờ nếu có cuộc họp chuyên môn. Rất nhiều người giúp việc nhà có thu nhập cao hơn các cô giáo MN, trong khi sức ép đối với GVMN rất lớn. Sức ép này đến từ nhà trường và các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh không dành thời gian cho con, không dạy con có thói quen, cá tính tốt nhưng khi giao con cho cô giáo lại đòi hỏi rất nhiều. Thậm chí, có những thói quen tốt ở nhà trường như việc ăn uống, tự phục vụ, lau miệng, rửa ly hoặc đi vệ sinh thì về nhà lại bị phá vỡ vì bố mẹ quá nuông chiều con” - cô Hòa chia sẻ.

Một GVMN của một trường MN công lập tại quận 1, TP HCM nói: “GV sợ nhất là phải đối phó với hội chứng con cưng ở nhiều gia đình. Không ít phụ huynh không có sự thông cảm với cô, chỉ cần thấy tay con có vết muỗi cắn là làm ầm lên, báo hiệu trưởng; thấy vết xước là ngay lập tức kiếm chuyện với cô giáo… Áp lực tứ phía khiến GV làm việc như đối phó, một khi không kiềm chế được nữa thì trút giận lên đầu trẻ”.

Từ góc nhìn của người quản lý trực tiếp, bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường MN Mèo Con (quận 7, TP HCM), cho rằng chỉ khi có tấm lòng yêu trẻ, GVMN mới có thể chấp nhận công việc nặng nhọc và đầy áp lực ở trường MN. “Ở nước ngoài, mỗi cô giáo chỉ phụ trách từ 5-7 trẻ là quá nhiều, GV làm việc của GV, bảo mẫu có việc của họ. Trong khi các trường MN của chúng ta, mỗi cô phụ trách 20 trẻ, nhiều nơi thiếu bảo mẫu thì GV kiêm luôn nhiệm vụ lau chùi, cho ăn, vệ sinh trẻ... Tôi từng chứng kiến nhiều lúc đến giờ giải lao của trẻ, cô mới có thể chạy vội xuống căng-tin ăn miếng bánh mì nhưng chưa kịp ăn, các cháu khóc inh ỏi, lại phải lên lớp. Hiệu trưởng thông cảm thì không sao, gặp người khắt khe sẽ la mắng, khiển trách. Chỉ khi nào giảm tải triệt để, mỗi GV chỉ phụ trách 5-7 trẻ, mới mong họ làm hết trách nhiệm”.

Đ.Trinh - Y.Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo