Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ lấp đầy các KCN, KCX chỉ mới đạt hơn 40%, thậm chí tại nhiều địa phương chỉ khoảng 20% - 30% nhưng đã tính đến chuyện mở rộng hoặc xây thêm các KCN, KCX. Đây là một vấn đề hết sức nghịch lý, trong khi diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nhiều nơi thu hồi đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” của người dân để làm KCN. Câu hỏi đặt ra là tại sao các KCN chưa lấp đầy trên 50% thì các địa phương lại vội vã xúc tiến thành lập thêm các KCN mới?
Phát triển khu công nghiệp phải hài hòa lợi ích với người dân
Nhiều chủ đầu tư lập dự án, xin cấp đất xây KCN, sau khi được phê duyệt và được sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất ở các cơ quan có thẩm quyền vội xin chuyển đổi mục đích xây dựng thành khu chung cư, phân lô bán nền hoặc dùng vào mục đích khác để trục lợi... Nếu không được chấp nhận thì họ bỏ hoang còn người dân bị thu hồi đất không có đất ở, đất sản xuất.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định các địa phương hoặc trong một vùng kinh tế đã được phê duyệt phải lấp đầy hết các KCN mới cho xây dựng thêm, có thể quy định phải đạt trên 80%; đồng thời, cần có chính sách khuyến khích các tỉnh gần nhau liên thông phát triển KCN, không nhất thiết tỉnh này xây thì tỉnh bên cạnh cũng xây theo.
Tài nguyên đất đai là vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với bất kỳ quốc gia nào. Do vậy, quy định chặt chẽ trong việc sử dụng đất ở các KCN càng tiết kiệm thì hiệu quả kinh tế - xã hội càng tăng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện đất nước.
Bình luận (0)