Hàng trăm hộ dân ở khu vực Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu và nhiều khu vực của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đang sống chung với ô nhiễm do Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Khánh gây ra, khiến cuộc sống của họ đảo lộn.
Gây nhiều bệnh
KCN Hòa Khánh có hơn 130 doanh nghiệp đang hoạt động. Hằng ngày, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đi dần về phía sau KCN Hòa Khánh, theo dòng suối nước thải nhầy nhụa, đen ngòm chảy thẳng ra cánh đồng của người dân, mùi hôi thối nồng nặc. Tại khu vực Hồng Phước, mùi hôi thối từ nước thải ngấm vào đất bốc lên bao phủ cả vùng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (ngụ tổ 61, khu vực Hồng Phước) bức xúc: Ở khu vực này vào mùa mưa bão thì nước ngập cả mét, mùa khô thì khói bụi mù mịt. Nhất là buổi tối, hôi thối kinh khủng, ruồi muỗi sinh sôi dày đặc. “Ở đây có rất nhiều người, cả già lẫn trẻ, bị bệnh về da, đường hô hấp, sốt xuất huyết, ung thư… Nước thải từ KCN cứ ào ạt tuôn qua khu dân cư thì làm sao chúng tôi sống nổi” - bà Thanh kể. Còn ông Trần Thanh Sơn (tổ phó tổ bảo vệ dân phố tổ 61, khu vực Hồng Phước) cũng cho biết rất nhiều người dân vùng này còn sử dụng giếng đóng. Nguồn nước giếng cứ nhờ nhờ, hôi nồng nhưng người dân cũng phải bấm bụng sử dụng.
Trong khi đó, người dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang vừa phải chịu đựng sự dơ bẩn vừa phải bỏ hoang ruộng đất do ô nhiễm trầm trọng, không thể trồng trọt được gì. “Nhà tôi bỏ ruộng đã 7-8 năm nay rồi. Trước không cấy được lúa, bà con chúng tôi cố gắng trồng rau muống đem bán, biết là nguy hiểm vì ô nhiễm nhưng nếu không làm thì sống bằng gì?” - ông Nguyễn Văn Dưỡng (ngụ thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên) nói. Bà Lê Thị Nở (ngụ thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên) bày tỏ: “Chúng tôi cũng làm đơn kêu cứu rất nhiều nhưng vẫn phải sống hoài trong tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề. Bây giờ không ai dám tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước dưới ruộng. Tôi đi chăn trâu phải mang ủng chứ đi chân không là sẽ bị đau khớp, lở loét”.
Bao giờ được bồi thường?
Ông Nguyễn Thu - Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang - cho biết nhiều năm qua, người dân trong xã phản ánh thường xuyên tình trạng nguồn nước và không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Xã đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. “Lãnh đạo xã cũng thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân ở những vùng bị ô nhiễm rồi đề xuất lên TP Đà Nẵng có hướng tiêu nước để hạn chế ô nhiễm cũng như giải tỏa, tái định cư, chi tiền cho người dân để họ yên ổn làm ăn. Trách nhiệm còn lại là của Ban Quản lý KCN Hòa Khánh, Cảnh sát Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường” - ông Thu bức xúc.
Ông Thu nhận định thôn Trung Sơn là nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất. Nước thải chảy qua cánh đồng thôn Trung Sơn trước khi chảy vào sông Cu Đê. Những khi mưa lũ, nước thải tràn khắp cánh đồng. Hiện việc giải tỏa, đền bù, hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm diễn ra rất chậm dù TP Đà Nẵng đã có chủ trương này từ rất lâu. Trước mắt, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý triệt để các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Không thể chỉ vì lợi nhuận của một số người mà “đầu độc” cuộc sống của cộng đồng.
Ngưng hoạt động đơn vị vi phạm
Một lãnh đạo Công ty Phát triển - Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng cho biết: Theo quy chế bảo vệ môi trường KCN, KCX do UBND TP Đà Nẵng ban hành, doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường phải khắc phục ô nhiễm sau 3 tháng kể từ khi bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt. Nếu quá thời hạn trên mà vẫn không khắc phục thì cơ quan chức năng bắt buộc tạm ngừng các hoạt động vi phạm cho đến khi nào thực hiện đầy đủ và đúng yêu cầu bảo vệ môi trường...
Bình luận (0)