Chúng tôi đi qua khu tái định cư Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum thuộc dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai, sạt lở ra vùng an toàn vào một ngày đầu tháng 8. Thế nhưng, trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hoang tàn, mái tôn một số nhà bị gió thổi tung, cửa kính vỡ từng mảng, cỏ dại phủ kín các sân nhà. Cả khu tái định cư cho 73 hộ dân nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy một bóng người.
Xây nhà rồi bỏ hoang
Năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai, sạt lở ra vùng an toàn cho hàng ngàn hộ dân ở các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei, Sa Thầy… Mục tiêu của dự án là để các hộ dân ở vùng dự án sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, thực hiện tốt chủ trương bố trí các khu dân cư một cách phù hợp với điều kiện sinh sống, phòng tránh được thiên tai và phát triển sản xuất của người dân.Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện dự án, nhiều khu tái định cư không có dân về ở, gây lãng phí lớn.
Tại huyện Đắk Glei, dự án thực hiện bố trí sắp xếp, di dời và tái định cư cho 5 điểm là các thôn Kon Riêng, xã Đắk Choong; thôn Đông Thượng, Đắk Đoát, xã Đăk Pét; thôn Đông Nây, xã Đắk Man và thôn Đắk Sút, xã Đắk Kroong với 268 hộ, 1.064 người dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí lên tới hàng chục tỉ đồng bằng nguồn vốn nhà nước và do nhân dân đóng góp.
Tại huyện Tu Mơ Rông, trong vòng 5 năm qua đã đầu tư gần 100 tỉ đồng để thực hiện di dời 1.300 hộ dân thuộc 23 thôn làng nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm về nơi tái định cư an toàn. Tuy nhiên, nhiều làng tái định cư, người dân không chịu về ở hoặc về ở rất ít, như các khu tại xã Đắk Sao, Văn Xuôi, Măng Ri… Điển hình khu tái định cư làng Ba Khen - Long Tro, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông có tổng cộng 72 hộ dân nhưng hiện chỉ có 3 hộ dân ở ổn định, lâu dài. Khi chúng tôi đến, cả khu tái định cư rộng lớn cỏ mọc um tùm, không một bóng người, nhiều ngôi nhà cửa mở toang như nhiều tháng không có người ở.
Các khu tái định cư trên địa bàn các huyện Kon Plông, Sa Thầy, Đắk Hà… cũng chưa ổn định cuộc sống.
Bất hợp lý
Tại khu tái định cư Kon Riêng, xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, nhiều người dân phản ánh do khu tái định cư được xây trên đồi cao nên gió rất mạnh, dễ sạt lở vào mùa mưa; đã có 2 ngôi nhà bị sụp xuống vực… Vì vậy, dù đã ra ở nhưng nhiều người dân rất lo ngại nên vào mùa sản xuất, họ vẫn quay về làng cũ.
Ông A La - làng Ba Khen, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông - cho biết nguyên nhân ông và những hộ dân khác vẫn ở lại làng cũ mà không chịu về làng tái định cư là do xa đường lớn, nhà được xây thấp nên rất nóng, xa nơi sản xuất. Hơn nữa, giếng nước do nhà nước đầu tư bị đục không thể sử dụng được, không có công trình phụ. “Vì không có người ở nên mới đây, đường điện tại khu tái định cư cũng đã bị cắt luôn rồi” - ông La cho biết thêm.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, nguyên nhân một số khu tái định cư người dân không về ở hoặc về ở rất ít là do theo phong tục, người dân trước đây ở nhà sàn tre nứa, mái lợp tranh, chuồng trại chăn nuôi ở dưới sàn nhà. Trong thời gian mùa vụ, các hộ dân ở tạm thời tại làng cũ để thuận tiện việc canh tác, sản xuất; trước mùa mưa bão, các hộ dân này chuyển về ở tại khu tái định cư để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã chưa quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao.
“Tôi vừa đi vào làng cũ xem bà con đã về ở lại chưa, nếu chưa về thì chỉ đạo thôn trưởng vận động bà con về để cho học sinh bước vào năm học mới và mùa mưa bão đang tới gần” - ông Cao Minh Luyến, Phó Chủ tịch xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông, nói.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, tính đến cuối năm 2014, các dự án bố trí dân cư đã sắp xếp ổn định cho 1.910 hộ với 8.284 nhân khẩu, đạt 83% tổng số hộ so với mục tiêu các dự án được duyệt.
Bình luận (0)