Do thấy cha mẹ rất khó khăn khi bóc vỏ dừa bằng phương pháp thủ công, 2 em đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy này và nhận được bằng khen cuộc thi "Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng" lần thứ 5 năm 2018 của tỉnh. Sáng tạo nhỏ nhưng lại rất thiết thực này đã giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao năng suất nghề làm dừa tại địa phương. Hơn hết, đó là động lực, truyền cảm hứng cho HS khác.
Thực tế cho thấy lứa tuổi HS có thể làm được nhiều điều hơn chúng ta tưởng. Quan trọng là các em phải được người lớn - đặc biệt là ngành giáo dục và nhà trường - động viên, tạo điều kiện để có được nhiều sáng chế, phát minh; phải hướng đến sự sáng tạo hơn là học vẹt. Hiện nay, HS học cho thuộc và nhớ bài nhiều hơn là để hiểu. Điển hình, ở các môn xã hội - như ngữ văn, tình trạng giáo viên bê nguyên xi giáo án cho HS chép rồi bắt học thuộc để kiểm tra, thi cử đang diễn ra rất phổ biến. HS sợ sáng tạo có thể làm cho điểm số thấp nên buộc phải học thuộc lòng. Trong khi đó, viết văn là thể hiện sự bay bổng, sáng tạo, bộc lộ tố chất ngôn ngữ, không phải sự rập khuôn.
Ở môn tự nhiên cũng thế. Bài tập các môn toán, lý, hóa thường được giáo viên lấy trong các tài liệu và tham khảo trên mạng, ít nghĩ ra những đề lạ, hay, độc đáo để các em vận động trí não nên HS lười tư duy. Ngay cả tin học, HS cũng bị buộc học thuộc lòng trong khi kiến thức môn này vô biên, muốn tìm tòi, nhớ lâu, vận động trí não hiệu quả phải thường xuyên thao tác, thực hành trên máy tính.
Ở nhiều nước, HS lên lớp được giáo viên gợi ý bài tập, bài học về nhà làm; phần còn lại các em tự tìm tòi, nghiên cứu, điều gì không hiểu thì hỏi giáo viên. Nhờ đó mà HS biết tư duy, sáng tạo ngay từ nhỏ. Hơn nữa, nhà trường luôn khuyến khích, đầu tư cho HS sáng tạo. Đôi khi chỉ là sáng tạo "ngớ ngẩn" nhưng qua đó thể hiện sự đam mê, vận động trí não, tạo nền tảng cho tương lai xán lạn.
Để gieo mầm sáng tạo cho HS Việt Nam, ngành giáo dục nên thay đổi cách giảng dạy, xóa bỏ tình trạng đọc - chép; khuyến khích, khơi gợi sự sáng tạo ở HS theo năng khiếu hoặc chuyên ban. Nên tổ chức nhiều cuộc thi sáng chế để HS có dịp thể hiện mình. Đừng cười cợt nếu đó là những sáng tạo "chẳng ra gì" mà hãy nên trân trọng. Chí ít, các em cũng đã biết đầu tư chất xám, bỏ cả công sức lẫn niềm hy vọng tràn trề cho "đứa con tinh thần" của mình.
Bình luận (0)