Chuyện này cho thấy việc quản lý xây dựng để xảy ra việc "con voi chui lọt lỗ kim" là có thật. Với số lượng 700 căn nhà xây dựng không phép, không thể nói là không thấy, không biết.
Chừng đó căn nhà thì số lượng vật tư xi măng, sắt thép, cát… là không nhỏ, cùng với rất nhiều phương tiện chuyên chở vật liệu và thời gian cũng không phải ngày một ngày hai.
Vậy trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng địa phương ở đâu mà chỉ đến khi làm đường cao tốc mới phát hiện 700 căn nhà không phép như từ trên trời rơi xuống?
Dư luận không thể không hoài nghi nếu thanh tra, kiểm tra trên diện rộng đến nơi đến chốn thì con số vi phạm chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây.
Qua vụ việc này mới thấy bộ máy kiểm tra, giám sát của các ban ngành tuy rất hùng hậu nhưng có nơi, có lúc hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không loại trừ yếu tố tiêu cực.
Rồi đây cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ 700 căn nhà không phép sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng hậu quả để lại là nặng nề, bởi đã gây thiệt hại rất lớn về vật chất cho người dân và xã hội.
Chưa kể việc xây dựng trái phép thì chất lượng công trình thấp, là mối hiểm họa đe dọa tính mạng con người; đồng thời phá vỡ quy hoạch đô thị, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, làm mất lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền và hệ thống luật pháp...
Để không xảy ra những sự việc tương tự thì việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh sai phạm phải đi vào thực chất, có chất lượng, hiệu quả.
Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn, bảo đảm các trường hợp vi phạm phải được kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để không gây bức xúc trong dư luận.
Cùng với yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại, lực lượng thanh tra xây dựng khi để xảy ra sai phạm kéo dài, không xử lý dứt điểm.
Bình luận (0)