“Đàn bò là tài sản lớn của gia đình tôi. Để có được chúng, tôi phải đi vay mượn khắp nơi để đầu tư. Vậy mà, cơ quan thú y không thực hiện đúng quy trình lấy mẫu bệnh đã vội vàng tiêu hủy cả đàn 36 con. UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định tiêu hủy đàn bò cũng hoàn toàn thiếu căn cứ. Bây giờ, tôi trắng tay, nợ nần bủa vây” - ông Lê Tấn Hữu (huyện Củ Chi, TP HCM) bức xúc.
Nhiều điểm không rõ ràng
Theo trình bày của ông Hữu, ngày 10-8-2014, ông đến Long An mua 40 con bò sữa với số tiền gần 1,6 tỉ đồng về nuôi. Bốn ngày sau, một số con trong đàn đi lại khó khăn, ông Hữu nhờ cán bộ thú y huyện Củ Chi đến chăm sóc. Nghi ngờ đàn bò bị bệnh lở mồm long móng, chiều cùng ngày, cán bộ Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị (CĐXN - ĐT) thuộc Chi cục Thú y TP HCM đã đến lấy 40 mẫu máu cùng một số mẫu dịch hầu họng để xét nghiệm. Hôm sau, cán bộ Chi cục Thú y TP HCM, Trạm Thú y huyện Củ Chi và đại diện các ban, ngành liên quan tiếp tục đến nhà ông Hữu kiểm tra đàn bò.
Ngày 29-8-2014, UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định tiêu hủy 36 con bò của ông Hữu (4 con đã chết trước đó) với lý do dương tính virus type A lở mồm long móng; đồng thời phạt vi phạm hành chính hơn 20 triệu đồng, buộc ông Hữu phải chịu chi phí tiêu hủy là 133 triệu đồng.
“Quyết định tiêu hủy căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật, Cơ quan Thú y vùng VI trên mẫu bệnh phẩm thu thập vào ngày 15-8-2014. Trong khi đó, đến ngày huyện công bố quyết định tiêu hủy đàn bò (29-8-2014), tôi mới biết được có việc lấy mẫu từ ngày 15-8-2014. Tôi không chứng kiến, không ký vào biên bản lấy mẫu bệnh phẩm ngày 15-8-2014, vậy biên bản lấy mẫu có chữ ký trong hồ sơ từ đâu ra? Vì sao ngày 14-8-2014 lấy mẫu máu, xét nghiệm biết được kết quả nhưng trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc vận chuyển bò không có giấy kiểm dịch, lại buộc tôi kiểm dịch lại? Vì quyết định không có căn cứ, không đúng luật nên tôi đã kiện chủ tịch huyện ra tòa” - ông Hữu cho biết.
Người làm chứng bị đe dọa?
Một trong những người làm chứng trong vụ này là bác sĩ thú y Võ Văn Hiếu, nguyên cán bộ Trạm CĐXN - ĐT. Tại buổi làm việc ngày 22-3 với Báo Người Lao Động, BS Hiếu cho biết ngày 15-8-2014, khi đang đi kiểm tra dịch tễ tại xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), ông nhận được điện thoại của ông Bùi Văn Quyền (Phó Trạm trưởng Trạm CĐXN - ĐT) nhờ qua nhà ông Hữu hỗ trợ lấy mẫu. Quá trình lấy mẫu gặp nhiều khó khăn do chủ hộ đã bôi thuốc sát khuẩn nhưng cuối cùng ông Hiếu cũng lấy được ít bệnh phẩm biểu mô. Việc lấy mẫu bệnh không được lập biên bản. “Thế nhưng, mẫu từ trạm gửi đi yêu cầu xét nghiệm lại là dịch mụn nước. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm không ghi số tai bò. Trong khi ngày 14-8-2014, Trạm CĐXN - ĐT có lập danh sách lấy mẫu máu số tai của 40 con bò sữa” - BS Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, mấy ngày sau khi lấy mẫu, cán bộ phòng nhận mẫu nhờ ông viết biên bản lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ông Hữu ngày 15-8-2014 nhưng ông không viết vì thấy sai quy trình. BS Hiếu phân tích theo kết quả xét nghiệm thì Trạm CĐXN - ĐT chỉ lấy được có một bệnh phẩm (dịch mụn nước). Không xác định rõ con bò nào bị bệnh mà tiêu hủy cả đàn bò là không đúng quy định về việc xử lý ổ dịch. Mặt khác, trong 40 con bò của ông Hữu đều có ký hiệu số tai mà trong kết quả xét nghiệm không có số tai nào là của bò nhà ông Hữu. Vậy mẫu bệnh phẩm dịch mụn nước là của con bò nào?
“Sau vụ việc của ông Hữu, tôi bị điều chuyển công tác không rõ lý do, cũng không được xét thi đua. Mới đây, ngày 20-3, khi vừa ra khỏi chỗ làm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), có 2 đối tượng ép xe, dùng dao chỉ vào mặt đe dọa tôi không được khai gì với tòa án, nếu không sẽ giết cả gia đình. Tôi rất hoang mang nên đến nhờ báo chí giúp đỡ” - BS Hiếu nói.
Lãnh đạo đi vắng
Ngày 23-3, chúng tôi đã đến Chi cục Thú y TP HCM, Cơ quan Thú y vùng VI để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, cả 2 cơ quan này đều cho biết lãnh đạo đi vắng, đề nghị phóng viên để lại giấy giới thiệu, số điện thoại để liên lạc sau nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.
Được biết, trước đó, khi đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện Củ Chi cho rằng chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký quyết định tiêu hủy đàn bò là thừa ủy quyền của chủ tịch UBND TP, vì vậy TAND huyện Củ Chi quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP HCM để xét xử theo thẩm quyền.
Bình luận (0)