icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh doanh chụp giật

Thuận Thiên

Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo, nhục mạ, gây gổ khi khách không mua hàng... l Nhiều vụ ẩu đả, thậm chí dẫn đến chết người, đã xảy ra chỉ vì kẻ bán, người mua ứng xử không khéo

img
Những điểm buôn bán quần áo di động tràn xuống lòng đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Xuân Thảo
Vụ án mạng tại cửa hàng thời trang Sóng Nhạc trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 - TPHCM hôm 26-12 (Báo Người Lao Động đã thông tin) phần nào phản ánh tình trạng kinh doanh bát nháo dịp gần Tết. Các cửa hàng và người buôn bán tự do tràn ra cả lòng lề đường ở nhiều nơi; người mua - kẻ bán níu kéo, to tiếng, cự cãi nhau…

Cản trở giao thông

Từ 14 giờ hằng ngày, nhất là dịp gần Tết, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, hàng trăm người đã chuẩn bị xe đẩy, bàn ghế bày bán mũ bảo hiểm, giày dép, khăn choàng… trên vỉa hè, xôm tụ nhất là các loại quần áo thời trang. Nhân viên các cửa hàng thời trang, điểm bán di động cầm dù tràn ra đường mời mọc khách, gây cản trở giao thông

Trên tuyến đường này, bất kể trạm xe buýt, cổng trường, lối đi các con hẻm... đều được tận dụng làm chỗ bán hàng. Khách đón xe buýt ở trạm trước Trường ĐH Sài Gòn phải xuống lề đường, cổng trường trở thành nơi mua bán dây nịt, giày dép...

Bát nháo nhất là đoạn đường Nguyễn Trãi qua phường 8, quận 5. Buổi tối, nhạc từ các cửa hàng vọng ra đinh tai nhức óc. Các điểm bán quần áo di động tràn luôn xuống dưới lòng đường, khách qua lại dừng xe chọn lựa khiến giao thông luôn ùn tắc. Thỉnh thoảng có lực lượng chức năng xuất hiện, nhiều người bán hàng nhốn nháo gom đồ, đẩy xe qua bên kia đường sang phường khác, xem như... thoát.

Với kiểu buôn bán chụp giật, ở nhiều cửa hàng, điểm bán di động, nhân viên sẵn sàng xài xể, nhục mạ khi khách không đồng ý mua đồ. Chị Trần Thanh Thảo (ngụ hẻm 152 Lý Chính Thắng, quận 3 -TPHCM) kể: “Mới đây, tôi ghé một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi lựa đồ. Do nhân viên nói thách quá cao nên tôi phải trả giá. Họ không bán và có thái độ rất hùng hổ, cho rằng tôi là khách đầu tiên, lại bầu bì mà trả giá thì họ sẽ ế cả ngày. Thấy họ dữ dằn quá, tôi đành móc tiền thanh toán”. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khi khách cương quyết không mua hàng vì giá cắt cổ, nhân viên liền lấy giấy... “đốt phong long” trước mặt họ!

Có cho vàng cũng không trở lại !

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh vụ án mạng xảy ra tại cửa hàng Sóng Nhạc, rất nhiều người đã lên án hành vi quá đáng của khách hàng Lý Thu Nga cũng như thói côn đồ của bạn trai nữ Việt kiều này. Tuy nhiên, không ít bạn đọc cũng đã chỉ trích thái độ của bảo vệ và nhân viên ở đây.

“Tôi từng ghé Sóng Nhạc vài lần cùng bạn gái và có xảy ra xích mích với nhân viên ở cửa hàng. Biết tính tôi nóng nên lần sau, bạn gái tôi vào lựa đồ một mình, tôi đứng ngoài đường. Thái độ của nhân viên một số cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi rất nham nhở. Khi khách là nữ vào có mặc áo khoác như cô Việt kiều Lý Thu Nga hoặc mang theo đồ, những nhân viên này liền chọc ghẹo, kiểu: “Cởi hết đi em, vào đây là phải cởi”... Nếu gặp người nóng tính thì rất dễ xảy ra cự cãi, thậm chí ẩu đả” - một bạn đọc tên Nhân bức xúc.

Anh Hoàng Quốc Hân, người thường xuyên mua sắm áo quần trên đường Nguyễn Trãi, nhớ lại: “Hôm đó, tôi vào một cửa hàng thời trang. Xem qua quần áo thấy không vừa ý, tôi bỏ sang cửa hàng kế bên vì nghĩ cả hai cùng một chủ. Khi mua đồ xong ra lấy xe, bất ngờ tôi bị nhân viên của cửa hàng đầu tiên túm lấy áo hùng hổ đòi đánh, quát: “Mày gửi xe ở đây mà không mua hàng hả?”. Tôi nín nhịn lấy xe ra về. Từ đó, tôi thường dặn lòng rằng có cho vàng cũng không bao giờ đến đây mua đồ”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5, thừa nhận đường Nguyễn Trãi là một trong những tuyến đường có tình trạng buôn bán lấn chiếm, gây ùn tắc giao thông. “Dù bị xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa, nhiều người vẫn sắm sửa và bày bán trở lại. Từ nay đến Tết, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra để không xảy ra tình trạng buôn bán bát nháo ở đây” - bà Thảo khẳng định.

Sớm muộn gì cũng nhận hậu quả

Tại TPHCM, tình trạng buôn bán bát nháo, kinh doanh chụp giật còn diễn ra trên nhiều tuyến đường, như Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương, Điện Biên Phủ…

Kiểm sát viên Trần Minh Sơn, VKSND TPHCM, người từng tham gia nhiều phiên tòa xét xử các vụ án đau lòng do chỉ vì miếng cơm manh áo mà dẫn đến chém giết nhau, nhận xét: “Có những vụ rất đơn giản, chỉ vì văn hóa ứng xử của nhân viên, chủ cửa hàng không khôn khéo dẫn đến xô xát rồi ẩu đả với khách hàng. Ứng xử nhã nhặn, lịch sự thì khách hàng tự dưng đến với mình thôi. Kinh doanh theo kiểu chèo kéo, chụp giật thì sớm muộn gì cũng để lại hậu quả”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo